.

Thay đổi để thích ứng

Cập nhật: 22:12, 27/10/2021 (GMT+7)

“Ngày 27/10 chợ Chí Linh mở cửa rồi, em cũng mở lại sạp rau củ quả, các chị ghé ủng hộ em nhé” – tôi đọc tin nhắn của Nhung trong nhóm “Oder Lakeside” – một group do chị em phụ nữ trong chung cư lập nên. Rất nhiều chị em trong nhóm đã thả “tim” cho tin nhắn này kèm theo các câu cảm thán, rất vui vì từ nay ngoài kênh mua sắm online, họ cũng có thể đến chợ, tự tay chọn bó rau, con cá tươi ngon ưng ý. Điều này cũng đồng nghĩa, nhịp sống đang dần trở lại bình thường.

Chỉ có khoảng 1/3 tiểu thương trở lại buôn bán trong sáng 27/10. Rất nhiều sự thay đổi ở chợ khi mỗi tiểu thương đều trang bị chai khử khuẩn, đeo khẩu trang, ngồi giãn cách và không còn tụm năm, tụm ba như trước. Tranh thủ chụp cận bó rau muống, quả cà chua, bí xanh, Nhung nói, em phải “up” hình các nhóm zalo, facebook để rao bán. Thay vì bán trực tiếp thì Nhung lại bận rộn với nhiều đơn hàng trên facebook, zalo hơn. Những đơn rau củ được Nhung bỏ cẩn thận vào túi bóng, ghi rõ tên khách hàng, số điện thoại, số lượng hàng, giá tiền mỗi món và tổng đơn, số tài khoản thanh toán. Một lúc sau shipper ghé đến nhận để đi giao cho khách hàng. “Đơn hàng đặt qua zalo, facebook chiếm nhiều hơn bán trực tiếp tại chợ. Sau này, em vẫn bán ở chợ nhưng có lẽ sẽ phải thay đổi một số thứ để thích ứng với tình hình mới khi người dân mua sắm qua mạng nhiều hơn”, Nhung nói.

Thông tin từ Sở Công thương cũng cho thấy, đến nay đã có 53/86 chợ truyền thống trên toàn tỉnh hoạt động trở lại trong điều kiện bảo đảm an toàn dịch bệnh. Nhưng sức mua ở chợ thì đã giảm hẳn so với trước đây khi người dân đã hình thành thói quen mua sắm trực tuyến. Đặc biệt trong gần 3 tháng qua, khi các chợ ngừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 thì nhu cầu thiếp yếu của người dân vẫn bảo đảm thông qua việc đặt mua hàng “qua mạng”.

Chắc chắn chợ truyền thống sẽ vẫn tồn tại và duy trì bởi ở đây không chỉ là nơi giao thương, buôn bán mà còn là nét văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, để chợ truyền thống phát huy được đúng vai trò, trở thành một kênh quan trọng trong tiêu thụ hàng hóa sẽ cần có nhiều thay đổi, nhất là trước áp lực cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ hiện đại với nhiều tiện ích. Như câu chuyện của Nhung hoặc nhiều tiểu thương khác, nếu như trước đây chỉ bày biện hàng hóa và chờ khách đến mua thì nay đã quá quen thuộc việc chụp hình mớ rau, con cá như thế nào cho đẹp, bắt mắt, làm quen nhiều trang, nhóm bán hàng để quảng bá. Những công nghệ khác như app giao hàng cũng bắt buộc phải thích ứng nhanh hơn, thuần thục hơn. Việc giao tiếp với khách hàng trên không gian internet cũng nhiều hơn.

Có lẽ đã đến lúc các chợ truyền thống cần phải có những thay đổi căn bản để bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới, nghĩa là vừa tận dụng lợi thế có sẵn của một kênh bán lẻ truyền thống, vừa phải trang bị thêm kiến thức, cập nhật những ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hóa, sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt để đem lại sự thuận tiện tối ưu cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, qua các đợt dịch COVID–19 cho thấy, bán hàng trực tuyến sẽ là xu thế tất yếu. Thế nhưng khi mà các khu chợ truyền thống không có đủ cơ sở vật chất và rất nhiều tiểu thương có ít kiến thức về công nghệ thì rất cần có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan chức năng để giúp chợ truyền thống tồn tại, thích ứng với xu thế và phát huy giá trị vốn có.

NGÔ GIA

.
.
.