.

Tạo sức mạnh từ kinh tế hợp tác

Cập nhật: 19:42, 20/10/2021 (GMT+7)

Trên cánh đồng lúa của HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt, huyện Long Điền, vài năm trở lại đây hình ảnh thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật đã trở nên khá quen thuộc với bà con nông dân. Đây cũng là HTX nông nghiệp tiên phong đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như mô hình hoạt động và khá thành công ở nhiều lĩnh vực. 

Ban đầu, ông Huỳnh Trung Đông (ấp An Lạc, xã An Nhứt) tham gia HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt với lý do hết sức đơn giản. Đó là liên kết để cùng sản xuất sạch, tạo đầu ra bền vững cho hạt lúa. Thế nhưng, với tiêu chuẩn VietGAP, tuân thủ nghiêm ngặt 61 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí quan trọng như đánh giá chất lượng nước, đất; phân loại giống, truy xuất nguồn gốc, kiểm tra sản phẩm đầu ra, ứng dụng công nghệ cùng với việc thụ hưởng 13 dịch vụ được hình thành trong HTX, hiệu quả của việc tham gia ngoài mong đợi. Năng suất lúa tăng lên 8,5 tấn/ha, cao hơn 1,2 tấn/ha so với trước đây. Hạt lúa đạt chuẩn VietGAP và các tiêu chí về môi trường, truy xuất nguồn gốc, được DN bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn 15 - 20%. Thậm chí, kể cả trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khi hàng chục loại nông sản khác bị ùn ứ, khó tiêu thụ thì lúa của ông Đông cũng như các thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ An Nhứt thu hoạch đến đâu bán hết đến đó.

Hội nghị tổng kết 20 thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vừa được tổ chức hôm 19/10 mới đây cũng khẳng định, từ chỗ bị xem là một mô hình cũ, cản trở sự phát triển, các HTX nông nghiệp kiểu mới đã đang dần trở lại hình ảnh của một mô hình kinh tế ưu việt ở nông thôn.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13, không chỉ tăng nhanh về số lượng mà chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp đã được cải thiện, trong đó có 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao. Năm 2020, doanh thu của các HTX đạt bình quân 2,44 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên đạt 40,5 triệu đồng/năm, gấp 9,1 lần so với năm 2001.

Hiệu quả của kinh tế tập thể chính là tiền đề để nông dân chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp. Phát triển HTX cũng là cơ sở để ngành nông nghiệp chuyển từ sản xuất quy mô hộ sang sản xuất tập trung, nhưng vẫn dựa trên cơ sở tôn trọng lợi ích của người nông dân.

Để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đang triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tự chủ của nền kinh tế trong nước, tăng cường sức mạnh nội lực, giảm phụ thuộc nước ngoài. Do đó, cùng với sức mạnh của DN, cần phải thực sự quan tâm, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ở một vị trí tương xứng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Bởi phát triển HTX sẽ tạo ra sức mạnh đa chiều trong hợp tác và liên kết, góp phần quan trọng để ngành nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong những lúc khó khăn. Muốn vậy, bên cạnh nguồn lực nội tại, HTX nông nghiệp đang rất cần những cú hích về chính sách, nhân lực và hạ tầng. Đồng thời tạo động lực mới cho HTX phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

NGÔ GIA

.
.
.