.

Đập tan sức ỳ bằng cơ chế đánh giá cán bộ

Cập nhật: 16:08, 03/07/2018 (GMT+7)

“Đang xuất hiện một sức ỳ ngày càng lớn, cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh”, đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương vào ngày 2-7 vừa qua.

Sức ỳ - có thể nói đây là căn bệnh “thâm căn cố đế” biểu hiện ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nổi rõ nhất là trong nền hành chính nước ta. Đến thời điểm này nó thật sự trở thành một trở lực cho sự phát triển của đất nước. Nền hành chính giống như đầu tàu, đầu tàu ì ạch thì làm sao có thể kéo theo những toa tàu phía sau chạy cho nhanh. Bởi vậy, Chính phủ kịp thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong vấn đề cải cách nền hành chính, xây dựng chính phủ kiến tạo là nhanh chóng cởi bỏ sức ỳ trong từng cơ quan, ban, ngành của Nhà nước.

Sức ỳ trong nền hành chính nhà nước có nhiều căn nguyên. Trước hết, xuất phát từ đầu vào công chức yếu kém - hệ quả của phương thức tuyển dụng xuê xoa, không công khai, minh bạch; tuyển người không phù hợp với chuyên môn, vị trí việc làm; tuyển người thân, người quen, chú trọng bằng cấp không coi trọng kỹ năng, sở trường, năng lực thực sự. Nguy hiểm hơn là khi những công chức yếu kém có được “tấm vé” biên chế thì lại có tâm lý làm việc lắt lay, ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm. Đã vậy, cơ chế quản lý của các cơ quan nhà nước lại lạc hậu, không có sự phân công trách nhiệm, đánh giá hiệu quả công việc rõ ràng, chế độ đãi ngộ theo kiểu cào bằng, người làm tốt và chưa tốt cuối năm cũng như nhau. Cán bộ trực tiếp quản lý công chức cũng chưa thể hiện rõ vai trò là người đứng đầu, đa số thiếu sự quyết liệt, bởi chính bản thân họ cũng trưởng thành trong môi trường làm việc còn nhiều hạn chế. Mức lương công chức chưa phù hợp cũng là vấn đề được cho là có tác động trực tiếp đến tâm lý và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức... Tất cả những điều này dẫn đến một bộ phận không nhỏ công chức có tâm lý ỷ lại, bởi “không làm cũng không sao”, “làm không tốt cũng không sao” như Thủ tướng đã chỉ ra.

Thủ tướng chỉ rõ sự trì trệ của nền hành chính nhà nước nói riêng và của đất nước nói chung là nguyên nhân dẫn đến những năm gần đây môi trường kinh doanh có được cải thiện, nhưng mức độ giữa các địa phương chưa đồng đều. “Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm với phát triển đất nước được. Đất nước cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn. Đây là câu hỏi và là vấn đề đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương giải quyết”, Thủ tướng nói.

Đánh giá cán bộ đúng ra chỉ là một việc rất bình thường, được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào. Thế nhưng, đến thời điểm này, có thể thấy nền hành chính hầu như không phát huy được hiệu quả thật sự từ công tác đánh giá cán bộ. Chính vì vậy, điều mà Thủ tướng muốn nhắc nhở chúng ta là phải xem lại cơ chế đánh giá cán bộ. Phải đánh giá đúng thực chất, không du di, nể nả, không xuê xoa theo kiểu “anh sao, tôi vậy”, thành tích thì lê thê, khuyết điểm thì sơ sài, không mổ xẻ và đề ra hướng khắc phục. Việc đánh giá cán bộ, công chức phải đi vào thực chất, đánh giá phải dựa trên tiêu chí rõ ràng, khách quan; trên cơ sở đó xếp loại, khen thưởng và kỷ luật nghiêm. Việc đánh giá cán bộ nếu được thực hiện nghiêm túc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sàng lọc, bố trí, sắp xếp lại vị trí việc làm và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị mà cả nền hành chính nước ta đang nỗ lực thực hiện. Một cơ chế đánh giá cán bộ chuẩn sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần gỡ nút thắt tinh giản biên chế đang là thách thức lớn đối với các cơ quan, ban, ngành, địa phương hiện nay. Thực hiện nghiêm công tác đánh giá cán bộ cũng là thể hiện sự không thờ ơ, vô cảm với khó khăn của đất nước mà Thủ tướng đã đặt ra.

LAM PHƯƠNG

 

.
.
.