.

Thách thức trong xử lý chất thải sinh hoạt

Cập nhật: 19:35, 22/06/2018 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê mới nhất của UBND tỉnh BR-VT vào tháng 5-2018, hiện nay tổng lượng chất thải sinh hoạt (CTSH) tại các địa phương TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ, các huyện Long điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức  ước tính khoảng 700 tấn/ngày. Riêng Côn Đảo lượng CTSH phát sinh 12 tấn/ngày được chôn lấp tại khu vực suối Nhật Bổn và hiện đang tồn đọng tại đây khoảng 60.000 tấn CTSH. Mỗi năm, tỉnh bố trí hàng trăm tỷ đồng để thu gom, vận chuyển CTSH; cải tạo phục hồi môi trường các khu xử lý CTSH không hợp vệ sinh đã đóng cửa. Cụ thể, năm 2016 nguồn ngân sách chi cho hoạt động này là 110 tỷ đồng; năm 2017 là 144 tỷ đồng và dự kiến năm 2018 là 102 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và gia tăng dân số như hiện nay thì lượng CTSH phát sinh sẽ ngày càng tăng cả về khối lượng lẫn thành phần. Do vậy, công tác quản lý CTSH sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo dự báo của Viện Quy hoạch môi trường và hạ tầng kỹ thuật đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), từ năm 2018 lượng rác sinh hoạt của BR-VT tăng lên 10-15%/năm. Đến năm 2025, lượng rác sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khả năng lên đến 1.590 tấn/ngày (tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay).

Trong khi rác thải sinh hoạt và đặc biệt là CTSH ngày một gia tăng thì hoạt động thu gom, xử lý và tái chế vẫn chưa có hướng đi khả quan. Phần lớn CTSH thu gom được xử lý bằng biện pháp chôn lấp và các phương pháp xử lý thủ công. Nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường (ô nhiễm không khí, đất, ô nhiễm nguồn nước và cảnh quan môi trường xung quanh) và chiếm diện tích đất lớn. Câu chuyện từ bãi rác Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Nơi này hiện đang tồn đọng khoảng 3.500 tấn rác thải sinh hoạt. Toàn bộ lượng rác này nằm lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Hay tại huyện Côn Đảo, do việc xây dựng nhà máy xử lý CTSH hiện đại còn chậm đã dẫn đến tình trạng một lượng lớn rác thải còn tạm giữ tại khu vực suối Nhật Bổn, gây ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như hoạt động du lịch trên địa bàn huyện.

Xử lý CTSH đang là bài toán khó, làm đau đầu các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách. Mức thu phí vệ sinh thấp, ngân sách nhà nước phải bỏ ra hỗ trợ xử lý CTSH khá lớn. DN muốn đầu tư xử lý CTSH khó tiếp cận vốn vay ưu đãi... là những vấn đề đang cần có giải pháp cấp bách khi mà lượng rác thải này đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các văn bản hướng dẫn về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về công nghệ, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở xử lý CTSH và tiêu thụ sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải rắn... chưa kịp thời, việc huy động tối đa và đa dạng các nguồn lực cho công tác đầu tư quản lý CTSH chưa hiệu quả. Đây là những thách thức lớn, đòi hỏi có các giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhưng không dễ dàng thực hiện ngay. Vì vậy, trong khi đang chờ các nhà hoạch định chính sách đưa ra các giải pháp hữu hiệu thì bài học từ việc xử lý CTSH từ các nước là việc không quá khó. Đó là phân loại rác tại nguồn và  thực hiện chiến lược kiểm soát, quản lý chất thải theo hướng áp dụng 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế), biến chất thải thành tài nguyên. Trước hết là tăng cường các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải đối với môi trường, kinh tế - xã hội, xây dựng chính sách quản lý chất thải hữu cơ nhằm thúc đẩy việc phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại nguồn, giảm chi phí vận chuyển, xử lý rác. Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn được triển khai tại các hộ gia đình, chợ, khách sạn, bệnh viện và trường học, nhà hàng dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Nếu chất thải không được phân loại, đơn vị thu gom sẽ không tiếp nhận. Việc triển khai các giải pháp đồng bộ trong phân loại rác thải tại nguồn, cũng như các cơ chế tài chính và kỹ thuật cho xử lý, tái chế rác thải được sớm thực hiện sẽ góp phần khắc phục tình trạng quá tải cũng như ô nhiễm môi trường từ CTSH.

LAM GIANG

.
.
.