Phát triển du lịch chớ quên ẩm thực
Nhiều người đã từng đề cập đến ý tưởng biến Việt Nam thành “nhà bếp của thế giới”. Đây là ý tưởng hoàn toàn nghiêm túc, có tính khả thi. Bởi lẽ, nền ẩm thực Việt Nam rất phong phú, đa dạng, tinh tế và hấp dẫn. Điều đó lý giải vì sao, năm 2015, ẩm thực nước ta được Hãng thông tấn Mỹ CNN bình chọn là một trong 8 nền ẩm thực có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Trước đó, năm 2012, Tổ chức Kỷ lục châu Á cũng đã xác nhận “Giá trị ẩm thực châu Á” đối với 12 món ăn của Việt Nam, trong đó có món bánh khọt Vũng Tàu…
Cùng với sự mở cửa, giao lưu về mọi mặt với thế giới, ẩm thực Việt ngày càng được giới thiệu rộng rãi ra nước ngoài. Thỉnh thoảng, các món ăn đặc trưng của Việt Nam lại được báo chí nước ngoài giới thiệu như là một món ăn nên thử khi đến Việt Nam: bánh mỳ kẹp thịt, cơm tấm Sài Gòn, gỏi cuốn, bún chả. Ngoài ra, một số nguyên thủ quốc gia cũng từng thưởng thức ẩm thực Việt: Tổng thống Mỹ B.Clinton ăn phở, Tổng thống Mỹ B.Obama thưởng thức bún chả Hà Nội, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhâm nhi cà phê ở quán vỉa hè TP.Hồ Chí Minh. Đó là những bằng chứng cho thấy, ẩm thực Việt Nam không chỉ hấp dẫn du khách trong nước mà còn ngày càng được nhiều người nước ngoài biết đến.
Trong hoạt động du lịch, ngoài dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng thì dịch vụ ẩm thực chiếm vai trò rất quan trọng. Bởi lẽ, tâm lý chung của du khách khi du lịch là muốn thưởng thức các món ăn mang tính đặc trưng của người bản địa. Lúc này, việc ăn uống không chỉ để cho no bụng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ thể, mà còn để đáp ứng nhu cầu khám phá văn hóa, phong tục, tập quán địa phương.
Ẩm thực BR-VT rất đa dạng, phong phú vì BR-VT là “đất lành” thu hút cư dân từ khắp các vùng miền trong cả nước về sinh sống. Đến đây, họ mang theo các món ăn đặc sản của quê hương, xứ sở mình: bún chả Hà Nội, bún ngan Hà Nội, miến lươn xứ Nghệ, bánh đa cua Hải Phòng, bánh cuốn chả Phủ Lý, phở Nam Định, bún bò Huế, mỳ Quảng, bánh xèo miền Tây, bên cạnh các món đặc trưng của địa phương như bánh khọt Vũng Tàu, bánh hỏi An Nhứt, lẩu cá đuối, các món hải sản.
Thời gian qua, các khách sạn, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh đã khai thác rất tốt lợi thế ẩm thực để phục vụ du lịch. Tuy nhiên, việc làm này còn mang tính đơn lẻ, chưa bài bản. Việc quảng bá, giới thiệu ẩm thực BR-VT đến với du khách còn hạn chế. BR-VT từng tổ chức một số lễ hội ẩm thực như: Lễ hội ẩm thực thế giới (năm 2010, tổ chức trên tuyến đường Thùy Vân, TP.Vũng Tàu), Lễ hội ẩm thực phố biển Vũng Tàu (năm 2014 và 2015 tại Hoa viên Trưng Vương). Trong thời gian diễn ra các lễ hội, người dân địa phương và du khách đến thưởng thức rất đông. Xung quanh khu vực diễn ra lễ hội, du khách nườm nượp như trẩy hội, vừa tham quan, vừa thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các lễ hội ẩm thực này chỉ được tổ chức một hai lần rồi thôi.
Trong bối cảnh sản phẩm du lịch của BR-VT còn đơn điệu, thời gian du khách lưu lại BR-VT ít, việc tổ chức các lễ hội ẩm thực là rất cần thiết nhằm tạo thêm sản phẩm để thu hút và giữ chân du khách lâu hơn. Lễ hội ẩm thực cần được duy trì và tổ chức vào một thời điểm cố định trong năm nhằm tạo thói quen cho du khách; giúp các DN lữ hành chủ động trong việc xây dựng tour, tiếp thị và chào bán tour đến với du khách từ sớm. Các cơ sở lưu trú cũng chủ động trong việc bán phòng, chuẩn bị cơ sở vật chất đón khách. Hình thức tổ chức nên gắn với không gian đi bộ để du khách vừa thưởng thức ẩm thực, vừa được xem cách chế biến và có thể tham gia vào một công đoạn chế biến món ăn. Nguồn nguyên liệu đầu vào tại tất cả các quán ăn, nhà hàng phải được kiểm soát tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, ẩm thực càng thêm hấp dẫn, hỗ trợ tích cực cho du lịch phát triển.
NGUYỄN ĐỨC