Trao cần câu thay vì cho cá
Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định bãi bỏ Quyết định 102 về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo ở những vùng khó khăn. Lý do là những chính sách đó không còn phù hợp, nếu vẫn hỗ trợ trực tiếp sẽ tiếp tục xuất hiện một bộ phận người dân ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo.
Những năm gần đây, Chính phủ đã tiến hành rà soát, đánh giá một cách hệ thống những chính sách giảm nghèo (GN), qua đó điều chỉnh theo hướng giảm dần các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, địa phương nghèo chủ động vươn lên. Theo cách nói ẩn dụ thì từ nay trở đi, Nhà nước sẽ “trao cần câu” cho người nghèo thay vì “cho cá” như bao năm qua. Việc bãi bỏ Quyết định 102 là một phần nằm trong lộ trình điều chỉnh đó.
Qua nhiều năm thực hiện, Quyết định 102 của Chính phủ (và nhiều quyết định có liên quan tới GN khác) đã hỗ trợ hàng chục triệu lượt người, góp phần thiết thực trong việc cải thiện đời sống của người dân thuộc hộ nghèo, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa trong cả nước.
Tại BR-VT, người nghèo ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh môi trường. Phần lớn hộ nghèo có ý thức, quyết tâm vươn lên, tự học nghề và tìm việc làm để tăng thu nhập. Nhiều hộ nông dân đã biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất để tăng giá trị kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Tuy vậy, trên bình diện cả nước, công tác GN vẫn chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo còn nhiều. Nhiều gia đình không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi, đã tìm cách “chạy sổ nghèo” gây bức xúc dư luận, dẫn đến nhiều thắc mắc, khiếu nại, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Theo thống kê, hiện có khoảng 150 loại văn bản liên quan trực tiếp đến GN, trong đó có nhiều chính sách chồng chéo, trùng lắp về đối tượng hoặc địa bàn, thời gian thực hiện. Một số chính sách có phương thức hỗ trợ chưa phù hợp. Chính sự chồng chéo của hệ thống chính sách GN đã dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Gần đây qua rà soát lại các chính sách hỗ trợ người nghèo, việc ghép các chính sách hỗ trợ mới vẫn là “hỗ trợ dàn hàng ngang”, là sự cộng dồn về số học chứ chưa có sự phân định rõ trong thiết kế các chương trình, dự án. Kết quả là số hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao…
Tại “Diễn đàn giảm nghèo - Tầm nhìn tương lai” tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu, TS Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam có phát biểu 2 ý, được cử tọa đồng tình: Thứ nhất, Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể trong công cuộc GN trong 2 thập kỷ qua và được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về giảm đói nghèo. Thứ hai, để bảo đảm tính bền vững của các kết quả đạt được cần khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, cũng như để họ được tham gia vào quá trình lập kế hoạch và giám sát các chương trình xóa đói GN.
Ý kiến của bà Pratibha Mehta cũng là quan điểm, chủ trương của Chính phủ hiện nay: Tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo, thể hiện qua việc thiết kế các chính sách, chương trình, mục tiêu phù hợp hơn, giải quyết GN cho từng nhóm đối tượng và vùng, miền khác nhau theo hướng “trao cần câu thay vì cho cá”. Mặt khác, Chính phủ cũng tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân với thông điệp “nghèo không phải là tội lỗi nhưng cũng không phải là cứu cánh để trì kéo, đeo bám mãi!”
Các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về GN đến năm 2020 đã đưa ra những nhóm giải pháp cụ thể hướng tới GN bền vững, tác động toàn diện hơn đến người nghèo, tiếp cận đa chiều theo xu hướng chung của các nước trên thế giới. Điều cộng đồng và người nghèo quan tâm vào lúc này là các bộ, ngành chức năng có liên quan phân loại đối tượng hộ nghèo và nhận diện hộ nghèo toàn diện hơn để có các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đó mới chính là “cái cần câu” cần thiết cho người nghèo, là cách giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau.
NGUYỄN TRIỆU HẢI