.

Coi trọng giáo dục gia đình

Cập nhật: 18:59, 26/06/2018 (GMT+7)

Từ năm 2001, ngày 28-6 hàng năm đã trở thành ngày Gia đình Việt Nam (GĐVN), được các cấp chính quyền, các đoàn thể xã hội tổ chức kỷ niệm thường niên với các hoạt động phong phú, thiết thực và đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh những giá trị gia đình. 

Trải qua nhiều thế hệ, GĐVN tồn tại và phát triển với những chuẩn mực, giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, gia đình truyền thống Việt Nam hòa thuận, thủy chung, khoan dung và hiếu thảo. 

Gia đình luôn được xác định là “tế bào của xã hội”. Trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, GĐVN đang có những chuyển đổi mạnh mẽ về cấu trúc, hình thái, quy mô và các mối quan hệ trong gia đình. Những chuyển đổi đó trong thực tế cũng đã biểu hiện rất rõ, ai cũng nhận thấy là hầu như mọi vấn đề của gia đình ngày nay đều là những vấn đề của xã hội với mức độ khác nhau. Đất nước ta đang trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Sự giao lưu, mở cửa hội nhập mang đến cho GĐVN nhiều cơ hội, nhưng trong đó cũng chứa đựng không ít những nguy cơ tiềm ẩn. Mặt trái của cơ chế thị trường và các sản phẩm văn hóa độc hại đã và đang tác động tới truyền thống của GĐVN, tác động tới những chuẩn mực đạo đức của mỗi thành viên trong gia đình. Do lối sống ích kỷ, thực dụng, coi trọng đồng tiền nên đã xảy ra nhiều trường hợp con cái bất hiếu với cha mẹ, anh chị em ruột thịt tranh giành quyền lợi dẫn đến bất hòa, vợ chồng không còn thủy chung tình nghĩa, số vụ ly hôn của các gia đình trẻ tăng nhanh. Đặc biệt, nạn bạo lực gia đình diễn ra thường xuyên, thậm chí xảy ra nhiều vụ án mạng vì tranh giành đất đai, tài sản thừa kế. 

Điều đáng lo ngại hiện nay là vì những lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự trở thành “tổ ấm” cho mỗi thành viên. Đổ lỗi do “mưu sinh” rồi lơ là trong việc nuôi dạy con cái không chỉ là tình trạng của các gia đình phải vật lộn kiếm ăn, mà ngay cả ở các gia đình có cuộc sống khá giả. Trong đó, có không ít gia đình chưa dành thời gian thích đáng để quan tâm tới con cái, mà gần như khoán trắng cho nhà trường và xã hội trong việc giáo dục trẻ em. Do thiếu vắng sự chăm sóc, giáo dục của các bậc cha mẹ đối với con cái nên đã dẫn tới nhiều hậu quả tiêu cực. Không ít trẻ em trong các gia đình không được cha mẹ quan tâm đã bỏ học, đi lang thang bụi đời, để rồi cuối cùng bị rơi vào vòng xoáy của các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút ma túy, mại dâm, cướp giật... 

Từ xưa đến nay, gia đình nào cũng vậy, ai cũng mong muốn nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Đó được xem là một trong những mục tiêu phấn đấu, một trong những tiêu chí của gia đình thành đạt, hạnh phúc. Nuôi và dạy đối với con cái là cả một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, từ thấp đến cao, từ thụ động đến chủ động. Giáo dục trong gia đình phải xuất phát từ những việc làm hàng ngày nhằm định hình nhân cách theo nền nếp, gia phong của mỗi gia đình. Từ việc ông bà, cha mẹ gương mẫu trước con cái, đến lời nói việc làm phải luôn đi đôi với nhau, con cháu phải nghe lời khuyên bảo của ông bà, cha mẹ, người lớn. 

Gia đình và các thành viên trong gia đình có vai trò giáo dục và vai trò tác động rất lớn, rất bền vững đến việc hình thành thể chất, trí tuệ, lối sống, kỹ năng sống… đối với con cái. Vì thế, chức năng giáo dục gia đình cần phải luôn được phát huy và coi trọng để từ đó xây dựng GĐVN theo những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy cho con trẻ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh và trở thành những công dân có ích trong xã hội.

HOÀNG LÊ

.
.
.