.

Chung tay phòng chống ma túy

Cập nhật: 15:58, 25/06/2018 (GMT+7)

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Công an, hơn 20 năm qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã thực hiện hơn 172.000 chuyên án, bắt giữ 283.490 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 3.179kg heroin, 4.558kg thuốc phiện, 1,5 tấn ma túy đá, 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp, 30 tấn cần sa khô, hơn 4 tấn cần sa tươi, 2,3 tấn lá khát, “cỏ Mỹ”, 87kg cocain… Thời gian gần đây, nhiều vụ buôn bán ma túy với khối lượng lớn, nhiều đối tượng tham gia với tính chất liều lĩnh, manh động, đã bị các lực lượng chức năng điều tra tội phạm về ma túy triệt phá.

Điều đó cho thấy, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đang ngày càng gia tăng và gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội, phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình và là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại tội phạm khác. Số liệu tổng hợp cũng chỉ rõ: 75% tội phạm hình sự có nguyên nhân từ ma túy và đa số người nghiện ma túy đều bị lây nhiễm HIV/AIDS. Xuất hiện ở nước ta từ những năm 2006 - 2007, ma túy đá đang trở thành một “món hàng hot” đối với một bộ phận thanh thiếu niên thiếu nhận thức, sa đà khi lầm tưởng cho rằng ma túy đá chỉ gây hưng phấn tức thời, dùng để giải trí cho vui chứ không gây nghiện. Đồng thời, nhằm vào thị hiếu muốn khám phá, thưởng thức cái mới đối với giới trẻ và để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển ma túy chuyển hướng sang một số loại ma túy mới có chất hướng thần với mức độ nguy hại cao được ngụy trang bằng các tên gọi khác nhau như “cỏ Mỹ”, “tem giấy”, “bùa lưỡi”, “bánh lười”, “mặt quỷ”…, đặc biệt là “lá khát” có mức độ độc hại gấp 500 lần so với ma túy thông thường.

Tệ nạn ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp và lan rộng trên mọi địa bàn dân cư. Nguy hại hơn, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, tập trung ở lứa tuổi dưới 35, là lực lượng lao động chính của nhiều gia đình; trong đó, 8% số người nghiện ma túy ở lứa tuổi vị thành niên. Cả nước hiện có hơn 210 ngàn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khó kiểm soát (chỉ riêng tại TP.Hồ Chí Minh có hơn 10 ngàn người nghiện ma túy “lang thang” chưa vào diện có hồ sơ quản lý).

Sự gia tăng số người nghiện và tội phạm ma túy ở nước ta có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu là sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình, để con cái tự do giao du, chơi bời quá trớn, bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào con đường nghiện hút. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của ma túy cũng như kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy còn nhiều hạn chế. Công tác cai nghiện còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp đưa đi cai nghiện bắt buộc hoặc tự cai nghiện tại cộng đồng lại tái nghiện.

Hiện nay, mỗi năm Nhà nước chi hàng ngàn tỷ đồng cho công tác đấu tranh phòng chống ma túy, nhưng do các cấp, các ngành và các địa phương chưa quan tâm đúng mức nên hiệu quả còn thấp. Trong thời gian tới, tình hình tội phạm và nạn nghiện hút ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường do áp lực của tệ nạn ma túy từ các nước trong khu vực (Lào, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan) luôn gia tăng. Để phòng chống ma túy có hiệu quả đòi hỏi phải xác định công tác phòng chống ma túy là nhiệm vụ vừa trọng tâm vừa cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Nhân ngày “Toàn dân phòng chống ma túy” (ngày 26-6) cũng là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, kêu gọi mọi người cùng chung tay, góp sức phòng chống ma túy. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các đối tượng sau cai nghiện để họ có niềm tin vượt qua mặc cảm, tự ti, trở về với cuộc sống đời thường; đồng thời, các cấp các ngành, các doanh nghiệp cần quan tâm tạo công ăn việc làm và khắc phục tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ.

HOÀNG LÊ

.
.
.