.

Chấn chỉnh họp hành!

Cập nhật: 17:12, 01/07/2018 (GMT+7)

Cuối buổi sáng 21-6, khi ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu kết luận cuộc họp (trực tuyến) về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và bàn phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm thì tại đầu cầu UBND huyện Thanh Chương không còn một ai ngồi họp.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có công văn phê bình và yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương rút kinh nghiệm, không để tái diễn chuyện cán bộ vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra chuyện “trốn họp” trong các cơ quan nhà nước. Thời gian qua, lãnh đạo các tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… đã liên tục ra văn bản nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc lãnh đạo các sở ngành, quận, huyện vì đã không tham gia đầy đủ các cuộc họp hoặc vắng họp không có lý do. Thế nhưng, một số cuộc họp vẫn tồn tại tình trạng các cán bộ trốn họp hoặc bỏ họp giữa chừng.

Ở các bộ ngành, tình trạng “trốn họp” cũng không phải là hiếm. Cuối năm 2013, một vị Phó Thủ tướng cũng đã phê bình lãnh đạo 3 Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Tài chính và Y tế không dự cuộc họp triển khai đề án thực hiện chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020. Gần đây, để chấn chỉnh tình trạng “trốn họp”, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương bố trí thời gian tham gia đầy đủ, đúng giờ các cuộc họp do lãnh đạo Chính phủ chủ trì.

Cùng với nạn “trốn họp” là tình trạng loạn họp trong các cơ quan nhà nước. Một báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, hàng năm các bộ, ngành, địa phương tổ chức khoảng 2.000 cuộc họp, hội nghị và được các cơ quan, đơn vị khác mời tham dự dao động từ 1.000 đến khoảng 2.500 cuộc họp. Có lãnh đạo một ngày phải tham dự từ 2-4 cuộc họp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng than mỗi tuần bản thân ông nhận được trung bình 30 giấy mời họp, tuần nhiều lên tới 40 cái. Còn Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Hồ Chí Minh Sử Ngọc Anh cũng “bật mí”trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo Sở phải dự hơn 2.000 cuộc họp. Bình quân mỗi người họp 3-4 cuộc một ngày, chưa kể họp đột xuất, phát sinh. Các bộ, ngành địa phương khác cũng than phiền tương tự về nỗi ám ảnh của sự họp.

Khó có thể thống kê hết mục đích của các cuộc họp: Họp sơ kết, họp tổng kết, họp chuyên đề, họp đóng góp ý kiến, họp thẩm định dự án, họp tư vấn, họp liên ngành, họp công bố kiểm tra, thanh tra, họp các loại ban chỉ đạo, họp định hướng, họp thông qua, họp kết luận, họp triển khai thực hiện… Họp hành quá nhiều, liên tục khiến lãnh đạo các sở ngành, quận, huyện, phường, xã không có thời gian giải quyết công việc hay đi thực tế cơ sở, làm lãng phí thời gian và trí lực bộ máy công quyền. Họp nhiều còn cho thấy cải cách hành chính chưa mang lại hiệu quả, chất lượng của cán bộ và năng lực của điều hành quản lý chưa cao. Nguyên nhân của tình trạng “loạn họp” là do việc phân định chức năng giữa các cơ quan chưa rõ ràng, còn chồng chéo, chưa xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn cá nhân. Nỗi lo sợ sai, không dám quyết đoán đã tạo thói quen phải có mặt đủ thành phần họp bàn để cùng quyết. 

Tại nhiều cuộc họp, có tình trạng người chủ trì cứ nói, người ngồi dưới cứ “tám” chuyện riêng, lướt web, thỉnh thoảng nhìn đồng hồ… không chỉ thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác mà còn xem thường những quy tắc trong văn hóa hội họp.

Họp là một hình thức trong quản lý nhà nước, một cách thức giải quyết công việc. Có nhiều vấn đề phải họp, phải bàn mới ra vấn đề, ra chính sách, quyết sách, có sự thống nhất, giải quyết các vấn đề vướng mắc, ách tắc để công việc thông suốt, trôi chảy hơn. Để cuộc họp đạt hiệu quả cao nhất, đòi hỏi công tác tổ chức phải chuyên nghiệp. Phải xác định rõ được mục tiêu, nội dung, tính chất của cuộc họp, từ đó xác định yêu cầu đúng cho đối tượng dự họp; Cần đầu tư thời gian, công sức từ khâu chuẩn bị tài liệu, hình thức họp, nội dung họp. Bộ phận tham mưu, giúp việc phải có sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp nhuần nhuyễn.

Họp trực tuyến là một phương thức làm việc mới cần được triển khai rộng rãi thay cho các cuộc họp tổ chức đông người nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác chỉ đạo, điều hành. Việc ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước cũng rất cần thiết vào lúc này. Khi có một quy chế hoạt động rõ với thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân chẳng những sẽ giảm đáng kể những cuộc họp vô bổ, tiết kiệm được thời gian và kinh phí mà còn tăng được hiệu quả quản lý, điều hành của một bộ máy hành chính công hiện đại, tinh gọn và kiến tạo. 

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.