Sống cho ngày mai
Bữa cơm trưa qua chắc rất nhiều người không ngon miệng khi màn hình VTV liên tục truyền đi những thông tin và hình ảnh thương tâm của người dân từ 2 vùng lũ quét nặng Hà Giang, Lai Châu… Những thác nước, thác bùn đỏ au cuồn cuộn đổ, cuốn phăng đi tất cả những gì cản đường; những vùng đất bị sạt lở trơ ra trong hoang dại. Và con người, trở nên nhỏ bé, vô vọng trước cơn cuồng nộ của thiên nhiên.
Có lẽ cũng không cần thiết phải nhắc lại con số thiệt hại về người và của, đã đang và sẽ vẫn còn thay đổi từ 2 địa phương đang đối đầu với mưa lũ. Nhưng cần kíp phải rà soát nguồn gốc, nguyên nhân dẫn đến những tổn thất đau lòng này. Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, những ngày qua, tình hình mưa lũ, lượng nước về các hồ rất lớn. Sạt lở đất, lũ quét sau những trận mưa lớn là một nguy cơ dễ nhìn thấy. Phân tích của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy, tình trạng đất bùn nhão, nước từ trên các đỉnh núi, các hồ tràn ồ ạt chảy qua những vùng có cây rừng che chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại; và ngược lại, vùng đất đá chênh vênh khi tràn ngập trong nước sẽ có nguy cơ cao về xảy ra lũ quét và sạt lở đất, nhất là các tỉnh vùng núi như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang…
Một phân tích khác từ các chuyên gia nghiên cứu về môi trường cũng khẳng định, mất rừng và suy giảm chất lượng rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lũ quét và sạt lở ở những vùng địa hình đồi núi, nhiều mưa. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, các khu vực rừng có trữ lượng giàu và trung bình bị giảm mạnh. Trong khi đó, diện tích rừng nghèo và rừng tái sinh lại tăng lên nhanh chóng. Năm 1990, diện tích các loại rừng nghèo và tái sinh vào khoảng 7 triệu ha; nhưng đến năm 2005 đã tăng lên 10,2 triệu ha, chiếm 80% tổng diện tích rừng ở Việt Nam. Hiện nay chỉ có 8,7% diện tích rừng tự nhiên là rừng giàu. Nhiều diện tích vẫn được gọi là rừng tự nhiên, nhưng trong thực tế chỉ là cây bụi và cây gỗ tái sinh nên tán che phủ là không đáng kể, thảm thực vật không dày và khả năng giữ nước giúp ổn định dòng chảy là không đáng kể. Sự suy giảm về diện tích và độ dày của lớp thảm thực vật đã làm giảm độ kết dính của đất khi bị bão hòa nước nhanh chóng và phá vỡ sự liên kết giữa các lớp đất (do thiếu hoặc ít rễ cây), gây sạt, trượt lở đất, lũ ống và giảm độ thô, nhám bề mặt (độ cản nước), gia tăng tốc độ dòng chảy, khiến một lượng lớn nước dồn về quá nhanh trong quãng thời gian ngắn, bằng mực nước các khe suối dâng cao với nguồn năng lượng lớn, cuốn phăng tất cả đất đá và vật liệu trên đường đi của nước, gây ra lũ quét.
Nói đến đây, không thể không liên tưởng đến câu chuyện về đất rừng Xuyên Mộc và những hệ lụy từ việc khai thác rừng trái phép mà chính người dân chúng ta đã phải đối mặt. Hơn ai hết, người dân Xuyên Mộc hãy còn nhớ đến các vụ voi rừng kéo về phá rẫy trồng tỉa, đập đổ các chòi canh, thậm chí quật chết người những năm 1992-1995. Đơn giản chỉ vì người dân chúng ta đã “quá tay” khi khai thác đất rừng làm rẫy, chặt cây rừng, lấy gỗ, hầm than, lập vườn, làm nhà kiên cố… xâm phạm quá sâu vào vùng đất của các loài thú rừng hoang dã. Năm 1997 cũng đã xảy ra vụ bầy voi rừng 9 con sau khi chà nát vườn thanh long đã kéo sang phá rẫy bắp, đậu đang vào mùa thu hoạch của người dân vùng giáp ranh huyện Hàm Tân (Bình Thuận) – huyện Xuyên Mộc (BR-VT). Mới đây nhất, tháng 10-2016 và tháng 9-2017, tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc ), do mưa mưa kéo dài ngày, nước hồ đạp dâng cao, khiến hàng chục ha ao đùng của người dân ấp Ông Tô ngập tràn bờ, thất thoát cá tôm sắp đến mùa thu hoạch; gần 200 ha lúa mới gieo sạ và 40ha lùa đến kỳ gặt của xã này bị ngập trong biển nước…
Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề, nhiều mặt đến đời sống con người – từ của cải đến tính mạng, có lẽ ai cũng biết. Giải pháp khoanh vùng bảo vệ rừng, trồng mới rừng, cũng là bài học nằm lòng của người dân. Nhưng để bài học đó trở thành hành động của mỗi con người, trước hết chính là phải biến đổi từ nhận thức. Chúng ta đang sống cuộc sống của hôm nay với tất cả sự nỗ lực mưu sinh, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng vượt lên trên ý nghĩa đó, là một cuộc sống cho tương lai, cho các thế hệ con cháu mai sau không chỉ có sự no cơm, ấm áo mà còn mang ý nghĩa của sự an lành bền vững. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn nữa ở nhận thức và hành động đúng đắn của mỗi người trong từng việc làm hôm nay. Xót xa cho những mất mát và hướng về nơi những người dân các tỉnh phía Bắc đang phải gồng mình chống chọi những cơn lũ đáng sợ; nhưng cũng đồng thời nghĩ suy, soi xét về những gì chúng ta có thể làm, cho mảnh đất đang cưu mang chính mình thoát khỏi nguy cơ bị tổn hại trước những hệ lụy đến từ những cơn thịnh nộ của núi rừng khi tiếp tục bị xâm phạm.
THÁI AN