"Tâm sáng, lòng trong, bút sắc"
Cách đây 93 năm, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc) lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sáng lập Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn đồng hành trên những chặng đường của dân tộc; không ngừng phát triển mạnh mẽ, vượt bậc về nhiều mặt, cả về loại hình, số lượng, chất lượng, nội dung và hình thức... Có thể khẳng định, với vai trò của mình, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, được Đảng và Nhà nước ghi nhận.
Cùng với cả nước, các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo của tỉnh nhà đã phát huy truyền thống cách mạng ấy, góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của địa phương; góp phần cùng địa phương hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo đã giữ vững tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Đối với cá nhân những người làm báo, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mang tính thời sự, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Đó là “Người làm báo cách mạng phải có tâm sáng, lòng trong, bút sắc”! Bác Hồ coi những người làm báo là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí mà cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén! Trong những ngày này, trên cả nước diễn ra những hoạt động thiết thực kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì 6 chữ “Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho những người làm báo càng trở nên có ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở mỗi người làm báo hàng ngày, hàng giờ cần phải rèn dũa mình để có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và có kỹ năng giỏi. Như Bác Hồ chỉ rõ: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng, vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy phải cố gắng học tập nhiệm vụ chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Và để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.
Vừa là hoạt động chính trị xã hội, vừa là hoạt động sáng tạo nên nghề báo là một nghề đặc biệt, người làm báo phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình trên mặt trận tư tưởng văn hóa để tạo ra sản phẩm có chất lượng, có tầm ảnh hưởng và định hướng cho dư luận xã hội. Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, vì độc lập, vì tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”. Trách nhiệm xã hội đòi hỏi nhà báo phải đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái để bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Nhà báo phải biết biểu dương cái tốt, cái mới, cái tiến bộ và tích cực đấu tranh chống cái xấu, cái sai, cái lạc hậu… Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển của kinh tế thị trường, người làm báo càng phải trau dồi bản lĩnh chính trị, phải có cái nhìn toàn diện, khách quan, lăn xả vào cuộc sống, gần gũi với nhân dân, đem “hơi thở” cuộc sống vào trong tác phẩm nhằm giúp Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách đúng đắn; không được để cho những vật chất và những ham muốn tầm thường làm mờ mắt mà “bẻ cong” ngòi bút.
“Tâm sáng, lòng trong, bút sắc” chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng là những điều kiện cần và đủ, là đạo đức, lương tâm, trách nhiệm đối với người viết báo, để xứng đáng được xã hội tôn vinh!
THẢO LINH