.

Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân

Cập nhật: 19:35, 04/07/2018 (GMT+7)

Quyền tiếp cận thông tin (TCTT) là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân đã được ghi nhận tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin (vừa có hiệu lực từ ngày 1-7-2018), gồm 5 Chương, 37 Điều quy định về việc thực hiện quyền TCTT; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền TCTT; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền TCTT của công dân. 

Trong đời sống thường ngày, “thông tin” là một khái niệm rất rộng và có nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy, Luật TCTT quy định rõ: Thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan Nhà nước tạo ra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, được người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước đó ký, đóng dấu hoặc xác nhận bằng văn bản. Còn quyền TCTT là việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin do cơ quan Nhà nước tạo ra và công khai thông tin, cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân.

Trước khi Luật TCTT ra đời, nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền được thông tin của công dân, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định về quyền được thông tin, trách nhiệm cung cấp thông tin do cơ quan Nhà nước đang nắm giữ, như các thông tin về môi trường, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thực hiện các dự án, vệ sinh, an toàn thực phẩm, chi tiêu ngân sách... Như vậy, trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã chú trọng đến quyền được thông tin của người dân, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước phải công khai thông tin do mình nắm giữ, làm cho chủ trương của Đảng về minh bạch thông tin để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước đi vào đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, các quy định pháp luật trước đây về quyền được thông tin của công dân còn mang nặng tính nguyên tắc, tính khái quát hơn là tính thực tiễn. Do vậy, Luật TCTT được ban hành nhằm khắc phục những bất cập trên, tạo cơ chế thực thi có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành, góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền TCTT trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và những năm tiếp theo.

Luật TCTT đem lại những lợi ích đối với công dân, tổ chức và Nhà nước. Bởi, đây là cơ sở pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các DN chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch, chiến lược kinh doanh. Sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý nhà nước sẽ thể hiện tính tự giác, chủ động, thực chất và hiệu quả hơn. Đồng thời, Luật TCTT sẽ góp phần minh bạch, công khai hoạt động của các cơ quan Nhà nước, nâng cao trách nhiệm và năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Thông qua việc bảo đảm quyền TCTT sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả của người dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, góp phần đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy Nhà nước. Thông tin phản hồi từ phía người dân sẽ giúp các cơ quan Nhà nước cân nhắc, lựa chọn và đưa ra những chính sách, quyết định đúng đắn hơn, phù hợp với lòng dân hơn, tăng hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước. 

Bảo đảm và thực thi quyền TCTT của công dân cũng sẽ làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; phát huy trí tuệ, tính tích cực của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và tăng cường dân chủ, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định chính trị - kinh tế - xã hội để đất nước phát triển bền vững.

NHỰT THANH

.
.
.