.

Tiếng lành đồn xa

Cập nhật: 19:18, 18/06/2018 (GMT+7)

“Khu du lịch Gió Biển nhặt được giấy tờ và một số tiền của khách hàng đánh rơi tại bãi biển mang tên Nguyễn Hoàng Thái. Ai biết bạn này vui lòng nhắn giùm liên hệ Nhà hàng Gió biển - cổng số 2, số 06 Thùy Vân, Bãi Sau, TP. Vũng Tàu để nhận lại. Số điện thoại liên hệ: 0254…”. Đó là dòng trạng thái được đăng tải trên fanpage của KDL Gió Biển, TP.Vũng Tàu hôm 16-6, sau khi nhân viên giữ xe của KDL này nhặt được chiếc bóp của khách tắm biển, bên trong có một số tiền và các giấy tờ: CMND, cà vẹt xe, bằng lái xe… Kết quả, sau 1 ngày thông tin được đăng tải, chủ nhân những giấy tờ trên (quê Tiền Giang) đã liên hệ với KDL để được nhận lại.  

Những hành động đẹp “nhặt được của rơi, trả người đánh mất” như của nhân viên KDL Gió Biển diễn ra thường ngày, trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ em học sinh, chị công nhân vệ sinh đến anh bảo vệ, chị tạp vụ… Nhưng với ngành du lịch, nó mang ý nghĩa rất lớn, góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu về điểm đến an toàn, thân thiện. Tra lại thông tin trên báo cũ về chủ đề này, chúng tôi thấy cách nay đúng 1 năm, ngày 11-6, nhân viên khách sạn Hoa Hồng (TP.Vũng Tàu) cũng trả lại cho khách chiếc dây chuyền trị giá 30 triệu đồng. 

Giá trị vật chất của những món đồ bỏ quên có thể nhỏ hoặc lớn nhưng có những món đồ mang giá trị tinh thần không thể tính bằng tiền. Với giấy tờ, người đánh mất có thể sẽ mất nhiều thời gian, thủ tục để xin cấp lại. Với đồ vật, nếu mất đi thì không gì bù đắp được. Anh Nguyễn Trí Cường (166/32, Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) - người đã bỏ quên sợi dây chuyền ở khách sạn Hoa Hồng cho hay, mặt chiếc dây chuyền là tượng Phật ngọc do ba anh tặng cách đây gần 20 năm. Hiện nay, ba anh đã qua đời nên anh thường xuyên mang theo bên mình để tưởng nhớ ba. Tuy nhiên, hôm đó do đi tắm biển nên anh để lại khách sạn rồi bỏ quên khi ra về. “Tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chân thành nhất đến các cán bộ, nhân viên khách sạn. Nếu mất chiếc dây chuyền gắn với kỷ niệm của ba, không biết bao giờ tôi mới hết ăn năn vì sự bất cẩn của mình”, anh Cường tâm sự. 

Những hành động đẹp của nhân viên các DN du lịch kể trên không chỉ xứng đáng được DN khen thưởng, biểu dương và nhân rộng trong phạm vi đơn vị mà còn rất đáng được biểu dương, nhân rộng trong toàn ngành du lịch, để “tiếng lành đồn xa”, mỗi khi nhắc đến du lịch BR-VT, du khách chỉ nói về những điều tốt lành, là điểm đến sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, mến khách.

Xây dựng hình ảnh đẹp của du lịch cũng là mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch và các địa phương đang hướng tới. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có sự tham gia của nhiều ngành nghề, nhiều người trong cộng đồng dân cư, từ những người trực tiếp làm dịch vụ (vận tải hành khách; nhà hàng, quán ăn; lễ tân, bảo vệ, nhân viên khách sạn, KDL; DN lữ hành, hướng dẫn viên…) đến những người gián tiếp khi tiếp xúc với du khách (người bán hàng, tài xế taxi, người lái xe ôm, cư dân địa phương…). Điều đó có nghĩa là, để xây dựng được hình ảnh đẹp của du lịch BR-VT, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Mỗi người một hành động đẹp, cả cộng đồng cùng hành động đẹp, thể hiện ứng xử văn minh, lịch sự, nhiệt tình, chu đáo với du khách và ứng xử đẹp giữa mọi người với nhau, như một sự tác động liên hoàn mới tạo ra hiệu ứng tích cực. Bởi lẽ, chỉ một hoặc vài người trong chuỗi liên hoàn ấy ứng xử không tốt với du khách thì sẽ như “con sâu làm rầu nồi canh”, phá hỏng cả quá trình cố gắng của những người còn lại.

Ứng xử văn minh, lịch sự với du khách cũng là một trong những hành động thiết thực nhằm thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VH-TT-DL ban hành, đã được UBND tỉnh cụ thể hóa bằng Kế hoạch thực hiện Bộ quy tắc này trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 6. Hy vọng rằng, khi Bộ Quy tắc trên được triển khai sâu rộng, sẽ ngày càng có thêm nhiều hành động đẹp trong du lịch, để mỗi khi nhắc đến du lịch BR-VT, con người BR-VT, chúng ta sẽ chỉ nghe thấy những điều tốt đẹp, để hình ảnh du lịch BR-VT, con người BR-VT ngày càng vang xa.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.