Nghĩ về "sự tử tế"!
Trong xã hội hiện có khá nhiều người có cái nhìn tiêu cực về sự tử tế. Trên các diễn đàn, blog cá nhân, người ta đọc thấy những lời than phiền, rằng ngày nay sự tử tế, xã hội tử tế đã mai một; cái ác, cái xấu, thói ích kỷ, vô cảm… lên ngôi. Bên cạnh đó là những chuyện thiếu tử tế, con người thiếu tử tế được dẫn ra minh chứng cho đánh giá, nhận định này. Câu chuyện lại càng “nóng” lên khi cách đây không lâu, một cuộc điều tra xã hội đề tài cấp Nhà nước về việc xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” được thực hiện trên phạm vi cả nước cho kết quả, trong 33 tật xấu cơ bản của người Việt cần được loại bỏ, giả dối, bệnh thành tích và thiếu ý thức pháp luật là ba căn bệnh được chọn đứng đầu. 3 tật xấu trên, suy cho cùng cũng nằm trong “phạm trù” tử tế, theo quan điểm của nhiều người.
Sự âu lo, thảng thốt, cái nhìn bi quan về sự tử tế là điều dễ hiểu và có thể thông cảm được khi mà trong xã hội nhan nhản những con người có những hành vi không tử tế. Một người không may bị tai nạn trên đường, được người dân gọi xe taxi đưa đi cấp cứu nhưng tài xế taxi làm ngơ, cho xe chạy thẳng. Nạn hôi của diễn ra khi một chiếc xe gặp nạn, hàng hóa đổ xuống đường. Chuyện vượt đèn đỏ, chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi, không xếp hàng nơi công cộng. Chuyện tranh chấp một lối đi, đánh mất tình nghĩa xóm giềng. Chuyện cha mẹ, anh em, vợ chồng nồi da xáo thịt chỉ vì một chút quyền lợi vật chất riêng tư. Hoặc như chuyện “hỗn chiến” vì tranh cướp hoa tre, chuyện trong mấy ngày Tết mà có hơn 6.000 người nhập viện do đánh nhau… Tất cả chỉ do con người đánh mất sự tử tế mà ra.
Nhiều người đồng tình với quan điểm của TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển, rằng tử tế không phải là những khái niệm đạo đức đao to búa lớn mà chỉ là những hành vi nhỏ, hướng thiện và hướng về tình thương của con người. Với quan điểm đó, chuyện tử tế, người tử tế trong xã hội chưa hề mất đi, trái lại vẫn tồn tại thầm lặng trong cộng đồng, dù xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống. Lật giở các trang báo mấy năm gần đây, ta thấy không thiếu những người tốt việc tốt, tinh thần tương thân tương ái vẫn còn đầy, sự vô cảm và thờ ơ vẫn không thể lấn át lòng nhân ái, vị tha. Câu chuyện nhóm hiệp sĩ bị đâm, trong đó có 2 người tử vong khi truy bắt kẻ trộm xe máy SH tại TP.HCM là một minh chứng. Đinh Phú Quý, sinh viên năm cuối của Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, thành viên nhóm “hiệp sĩ” nói với bố là anh mong muốn cùng các bạn làm việc tử tế cho đời. Không ít người tốt đã xuất hiện đúng lúc, ra tay giúp đỡ những người bị nạn, gặp tai ương trong cuộc sống, trả lại tài sản cho người bị đánh rơi, phê phán, lên án mạnh mẽ những con người có những ứng xử lệch chuẩn với cộng đồng, với thiên nhiên.
Trong lời bình mở đầu phim “Chuyện tử tế” được viết cách đây hơn 30 năm, đạo diễn Trần Văn Thủy nhấn mạnh: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia, bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người - Người Tử Tế trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang, hoặc siêu phàm…”. Lời bình càng có ý nghĩa vào lúc này khi mà trong xã hội gần đây lối sống đẹp bị nhạt nhòa dần, trong khi cái xấu, cái ác rộ lên đầy lạnh lùng và thách thức.
Đánh thức, khơi dậy lòng nhân ái, sự tử tế, những tấm gương tử tế, làm cho những giá trị tốt đẹp này có sức lan tỏa mạnh mẽ là trách nhiệm của cả cộng đồng nhưng trước hết là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của ngành giáo dục, bởi lỗi của vấn nạn này có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội mà giáo dục là một thành viên. Đề cao hành vi ứng xử đậm tính nhân văn, hướng thiện, do vậy phải được đặt lên hàng đầu trong cơ chế quản lý xã hội, trong chương trình giáo dục đạo đức của nhà trường.
HẢI LĂNG