Người trẻ tự tử, vì đâu nên nỗi ?
Tuổi trẻ có những phút nông nổi, nhưng “phút nông nổi” đáng sợ nhất, đau lòng nhất là khi các em tự tìm đến cái chết. Gần đây, các phương tiện truyền thông đưa nhiều tin về những cái chết không đáng có của các em trong độ tuổi học sinh khiến dư luận xã hội, các nhà giáo dục, những bậc cha mẹ cảm thấy âu lo. Vì sao tuổi học trò “đuổi bướm hái hoa” chỉ biết ăn ngủ, học hành lại sớm nghĩ và tìm tới cái chết?
Chúng ta có thể kể ra rất nhiều ví dụ về các trường hợp học sinh tự tử mà đôi khi nguyên nhân thật… lãng xẹt: Vì kết quả học tập giảm sút, một nữ sinh trường THCS Tân Lâm tự tử trong lớp học. Buồn chán vì kết quả học tập không đáp ứng được sự kỳ vọng của cha mẹ, một nữ sinh trường THPT Đồng Xoài (Bình Phước) cũng tìm cách trốn chạy cuộc đời. Bị cha mẹ quát mắng vài câu do tự ý đi cắt ngắn tóc, một nữ sinh THCS ở Hải Phòng đã nhảy cầu quyên sinh. Một nam học sinh lớp 8 ở Đắk Lắk tự tử vì sợ ba mẹ trách mắng sau khi bị công an xã tạm giữ xe máy… Bên cạnh đó, là những nguyên nhân đời thường khác: bị mất danh dự, bị sỉ nhục trước trường lớp; bị ngăn cấm trong tình yêu, tình bạn; bị người thân xúc phạm, vu oan, hiểu lầm; sự bất hòa, đổ vỡ của chiếc nôi gia đình…
Tình trạng tự tử ở lứa tuổi học sinh dưới mọi hình thức và lý do nào cũng đều đáng thương hơn đáng trách. Hậu quả của những vụ trẻ em tự tử là gì? Dù có được may mắn cứu thoát sau những cơn vật vã, nhiễm độc nặng, song sự tổn thương về tinh thần và sức khỏe của các em ít nhiều bị ảnh hưởng. Tất nhiên không cha mẹ nào muốn thảm kịch ấy diễn ra. Nhưng, như các chuyên gia tâm lý, giáo dục đã lưu ý, ở lứa tuổi chưa bước vào đời, gia đình chi phối rất nhiều tình cảm, tâm tư và gần trọn vẹn cuộc sống lứa tuổi này.
Đáng tiếc, nhiều bậc phụ huynh đã chưa hiểu hết ý nghĩa của khuyến cáo này để có những ứng xử phù hợp. Bác sĩ làm nhiệm vụ cấp cứu ở các bệnh viện cũng cho biết, 99% trường hợp khi đưa vào bệnh viện cấp cứu đều giấu lý do và hình thức tự tử, các loại độc tố… làm chậm trễ thêm cho việc cứu chữa. Và sai lầm thường thấy ở các trường hợp này là sự thiếu quan tâm, gần gũi, nhắc nhở, định hướng của gia đình và nhà trường. Khi thua sút bạn bè, bị định kiến, hiểu lầm, nghi oan… các em mặc cảm, tự ái, hụt hẫng, dẫn đến mất niềm tin và trong một phút bồng bột, các em đã không kìm được hành động dại dột của mình.
Thế nhưng, bao trùm trên tất cả vẫn là tình trạng thanh thiếu niên chưa được trang bị toàn diện kỹ năng sống để ứng phó với những khó khăn của cuộc đời. Đời sống kinh tế thị trường, với nhiều cạm bẫy dễ đưa giới trẻ đến những căng thẳng, hụt hẫng, lạc lõng, bi quan, bế tắc, nhưng họ lại không tìm thấy được chỗ dựa tinh thần từ phía gia đình, nhà trường, bạn bè, đoàn thể.
Nhiều chuyên gia tâm lý đã có những lời khuyến cáo hữu ích: Gia đình, nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi tự tử có dấu hiệu gia tăng ở người trẻ. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô hãy là chỗ dựa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ dìu dắt khi thấy các em có những dấu hiệu bất bình thường; hướng dẫn các em kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân, cách giải quyết những vấn đề rắc rối thường gặp, kỹ năng đối diện với áp lực và vượt qua nó. Việc giáo dục nhân sinh quan, tâm lý, sức khỏe trong thanh thiếu niên ở nhà trường, gia đình, cũng là cách giúp các em nhận thức đúng đắn về cuộc sống để khi gặp chuyện buồn chán, bế tắc, các em vẫn đủ can đảm, nghị lực vượt qua.
Cha mẹ, thầy cô hãy là bạn tâm tình gần gũi với con em, học sinh mình. Được sự giúp đỡ, dìu dắt của gia đình, nhà trường, trong bất kỳ tình huống nào các em cũng sẽ biết cách vượt qua khó khăn, bế tắc. Khi đó, các em sẽ nhận ra rằng cái quý nhất trên đời chính là sinh mạng của mình, tự tử là “giải pháp” dại dột, sự lựa chọn sai lầm.
NGUYỄN TRIỆU HẢI