.

Thông tin khách hàng cần được bảo vệ

Cập nhật: 19:11, 11/05/2018 (GMT+7)

Vừa thi xong giấy phép lái xe ô tô, tôi đã nhận được cuộc gọi từ nhân viên đại lý ô tô ở Vũng Tàu với nội dung chào mời mua xe. Sợ khách cúp máy, cô nhân viên này nói liên tục về những chương trình khuyến mại của đại lý và mời khách đến tham quan, xem xe. Chỉ khi tôi từ chối khéo và hứa lưu số điện thoại của cô để khi cần sẽ gọi lại, cô mới dừng. 

Đang chạy xe trên đường, điện thoại reo liên tục, tấp vội vào lề, đầu dây bên kia hỏi một câu giật mình: “Xin lỗi, anh có phải ba của bé… không ạ?”. Tim như muốn rụng bởi tưởng con gặp chuyện gì, hóa ra là nhân viên một trung tâm ngoại ngữ mời đưa con đến kiểm tra trình độ tiếng Anh! Nhiều lúc đang tập trung làm việc, tôi lại nhận được những cuộc điện thoại mời mua bảo hiểm, mời mua nhà đất, đó là chưa kể những tin nhắn quảng cáo từ các nhà mạng, các dịch vụ bói toán online, mua hàng online liên tục dội đến điện thoại. 

Ai trong chúng ta hẳn cũng có đôi lần bị làm phiền bởi những cuộc điện thoại như thế. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao những người đó lại có số điện thoại của mình, thậm chí còn có cả địa chỉ nhà mình? Ai là người đã cung cấp thông tin cá nhân cho họ?

Câu trả lời không khó. Với trường hợp mời mua xe nói trên, thủ phạm tiết lộ thông tin cá nhân của mình chắc chắn là nơi tôi học lái xe. Còn các trường hợp sau thì người bán thông tin có thể là nhân viên các trung tâm ngoại ngữ, ngân hàng, cửa hàng điện thoại di động, nhà mạng cung cấp các dịch vụ viễn thông... Bởi lẽ, trong hầu hết các giao dịch, khách hàng thường phải cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà, địa chỉ email. Một số giao dịch còn phải có chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú/tạm trú hoặc nơi làm việc.

Tôi rất thông cảm với các nhân viên nọ, bởi suy cho cùng, họ làm như vậy cũng chỉ vì công việc mưu sinh, vì chỉ tiêu doanh số, chỉ tiêu tăng lượng khách hàng... Điều đáng trách chính là các cơ sở kinh doanh, những nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh đã cố tình tiết lộ thông tin khách hàng của mình nhằm mục đích nào đó. 

Lên Google gõ cụm từ “Mua data khách hàng”, sau 0,44 giây, tôi nhận được 4.170 kết quả liên quan đến việc mua bán thông tin khách hàng, với nhiều gói, từ nhóm khách hàng chứng khoán, bất động sản, gửi tiết kiệm đến danh sách phụ huynh, danh sách khách hàng VIP. Thông tin khách hàng cũng chia thành nhiều gói khác nhau theo mục đích sử dụng, từ địa chỉ nhà riêng đến số điện thoại di động, email, facebook... Thậm chí, gần đây còn có tình trạng thông tin chuyến bay của hành khách được “bán” cho các công ty du lịch, lữ hành, taxi để họ chào mời dịch vụ. 

Ngoài việc bị làm phiền bởi những lời chào mời mua sản phẩm, dịch vụ, khách hàng bị tiết lộ thông tin cá nhân còn có thể gặp những rắc rối, nguy hiểm như: Kẻ gian biết được lịch trình đi lại, địa chỉ nhà để lợi dụng trộm cắp, bắt cóc, lừa đảo, tống tiền… Đó là những hậu quả khó có thể lường hết. 

Pháp luật đã có chế tài (Bộ luật Hình sự, Nghị định 174/2013/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện,…). Tuy nhiên, trên thực tế, số vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý còn rất hạn chế và chưa đủ sức răn đe. 

Thực tế trên đòi hỏi pháp luật cần phải điều chỉnh, bổ sung bằng các điều khoản, quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, xử lý hình sự cho được các trường hợp vi phạm nhằm tăng sức răn đe các đối tượng mua-bán thông tin khách hàng; cần có quy định cụ thể và chế tài xử lý trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ nếu chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin khách hàng. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng cần ràng buộc trách nhiệm của nhân viên mình trong việc bảo mật thông tin khách hàng, không để thông tin khách hàng trở thành món hàng cho một số đối tượng bán-mua nhằm thu lợi bất chính, để khách hàng thực sự là “thượng đế” như phương châm kinh doanh của các DN.

NGUYỄN ĐỨC

.
.
.