Ứng phó với tin giả, tin sai sự thật
Trên báo BR-VT số ra ngày 7-5 đăng nội dung phản hồi của UBND TP. Vũng Tàu và KDL Biển Đông sau khi một trang báo mạng đã đăng bài viết có nhiều thông tin không chính xác về hoạt động du lịch tại BR-VT nói chung và KDL Biển Đông nói riêng trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua. Bài viết chủ yếu phản ánh tình trạng “chặt chém” ở các KDL trên địa bàn tỉnh, trong đó có đề cập đến giá vé hồ bơi ở KDL Biển Đông quá cao. Qua tìm hiểu, UBND TP. Vũng Tàu và Ban Quản lý KDL Biển Đông xác nhận thông tin trên là không đúng sự thật; đồng thời cho biết sẽ có văn bản gửi đến tòa soạn báo mạng này yêu cầu làm sáng rõ sự việc. Chính quyền TP. Vũng Tàu cũng khẳng định, luôn hoan nghênh, ghi nhận mọi ý kiến phản ánh, đóng góp nhằm góp phần xây dựng, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch, đồng thời cũng đề nghị báo chí phản ánh đúng sự thật nhằm bảo vệ uy tín, danh dự cho các DN làm ăn chân chính.
Đúng vào thời điểm khắp nơi đang rộ lên tình trạng đưa thông tin giả đăng tải trên các trang mạng xã hội khiến nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan lúng túng không biết nên ứng xử thế nào thì cách vào cuộc, phản hồi khá nhanh chóng của chính quyền và cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu trước một bài viết có nhiều thông tin chưa chính xác, thiếu tính chất xây dựng như vậy là rất kịp thời và chuẩn mực. Việc làm này đã chặn đứng thông tin xấu tiếp tục lan truyền, gây bất lợi cho việc thu hút du khách, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch, cũng như hình ảnh của BR-VT sau những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch thời gian qua.
Giả sử chính quyền TP. Vũng Tàu không có thái độ phản ứng kịp thời và chuẩn mực như vậy thì những ngày tiếp theo trên mạng xã hội sẽ có bao nhiêu thông tin kiểu “té nước theo mưa” hoặc đơn giản chỉ là “hồn nhiên” chia sẻ lại bài viết nhằm mục đích “câu like” thôi cũng đủ khiến các DN điêu đứng. Đơn cử như vậy để thấy việc đăng tin giả, tin sai sự thật, chụp giựt, thiếu kiểm chứng trên các trang báo mạng và mạng xã hội là rất nguy hại. Đặc biệt, những thông tin có tính tiêu cực sẽ nhanh chóng tạo nên phản ứng dây chuyền, có thể làm hủy hoại uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Từ thực tế đó, để ngăn chặn thông tin giả, tin sai sự thật trên mạng, các “ông lớn” mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dùng xem xét độ tin cậy của thông tin. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã thông qua các dự luật nhằm siết chặt quản lý thông tin mạng và ứng phó với việc lan truyền tin tức giả, tin sai sự thật trên các trang mạng xã hội. Ở nước ta, Chính phủ cũng đã có biện pháp chế tài trên lĩnh vực này. Nghị định 174/2013/CP quy định hành vi phát tán tin tức giả, tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm người tung tin đồn thất thiệt có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Điều 122, Bộ Luật hình sự.
Cuộc chiến chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng dự báo sẽ ngày càng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơ quan chức năng và bản thân các cơ quan báo chí phải hết sức thận trọng khi đưa tin, tránh giật gân, câu khách, đăng tin thiếu kiểm chứng. Và điều căn bản nhất là người dùng mạng xã hội phải tự kiểm chứng thông tin khi tiếp nhận và thể hiện ý thức trách nhiệm mỗi khi chia sẻ thông tin trên mạng cho bạn bè, thậm chí ngay một cú nhấp like cũng phải cân nhắc thật kỹ.
LAM PHƯƠNG