.

Ứng xử ra sao với mạng xã hội?

Cập nhật: 17:40, 10/05/2018 (GMT+7)

Ứng xử ra sao với mạng xã hội là chủ đề một cuộc hội thảo khoa học vừa diễn ra đầu tháng 5-2018, tại Hà Nội. Nhiều tham luận được trình bày, nhiều ý kiến phân tích, phản biện của các chuyên gia được nêu ra, những kết luận được đúc kết, mang tính thực tiễn sâu sắc. Trong một chuyên đề nghiên cứu về mạng xã hội, nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN nêu rõ: Mạng xã hội, bao gồm Facebook, Google, Twiter tồn tại như một thực thể khách quan, là thành quả to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Internet và mạng xã hội góp phần tương tác, làm biến đổi cả thế giới, xóa đi biên giới hành chính, làm cho trái đất trở thành một thế giới phẳng, mọi thành viên, cấu trúc xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Và tất yếu, con người không thể nào khác phải cùng chung sống với mạng xã hội, thừa hưởng thành quả vĩ đại của cách mạng khoa học kỹ thuật. Nếu có ai đó ghét bỏ, quay lưng lại với mạng xã hội là họ đã tự đào thải mình khỏi thế giới văn minh.

Những năm gần đây, Internet và mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển mạng xã hội đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, năm 2017, có 64 triệu/92 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, mạng xã hội. Phóng viên nhật báo uy tín của Thái Lan Bangkok Post, sau một chuyến đến thăm Việt Nam trở về đã viết: “Việt Nam phát triển và đổi mới đến không ngờ. Khắp mọi nơi, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng miền xuôi đến miền núi, từ vùng biển duyên hải đến vùng cao xa xôi hẻo lánh; lên xe lửa, xe buýt, vào siêu thị, nhà ga, sân bay, bến tàu gần như mọi người đều có chiếc điện thoại thông minh trong tay, chăm chú kết nối mạng, vừa để tiếp nhận vừa để lan tỏa thông tin đến bạn bè, người thân, đến cộng đồng không còn là những hiện tượng cá biệt...”

“Cùng ăn, cùng ngủ với Facebook, với mạng xã hội” đang trở thành nếp sống trong một bộ phận cộng đồng, nhất là giới trẻ. Và chúng ta phải ứng phó với thực trạng này như thế nào? Có thể thấy, mạng xã hội chẳng khác gì chợ trời buôn bán, đủ loại thông tin thật-giả, tốt-xấu, thiện-ác. Sống chung trong cái “chợ trời” đó, tại cuộc hội thảo “Ứng xử ra sao với mạng xã hội”, nhiều ý kiến xác đáng đã được lý giải, theo 2 mảng vấn đề chính.

Một là, đối với người chơi - đọc và chọn lựa, tiếp nhận thông tin, đòi hỏi cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân. Bất cứ loại tin nào trên mạng xã hội, người đọc đều cần sự thẩm định, xem xét, phân tích, đánh giá. Tin giả - tin sai sự thật đang tràn lan hằng ngày trên mạng xã hội. Nếu là tin giả, tin sai sự thật, bịa đặt xuyên tạc ác ý tự mình cần phải loại bỏ ngay. Theo thống kê của Bộ TT-TT, trong 4 tháng đầu năm 2018, đã có khoảng 50 tin giả - tin sai sự thật, bịa đặt vào loại “chết người”. Mới đây, ngày 2-5-2018, trên mạng Facebook xuất hiện tin một người đàn ông bắt cóc đứa bé 9 tuổi ở Hưng Yên. Tin này được lan truyền với tốc độ chóng mặt, chỉ trong vài giờ đã có vài ngàn lượt người truy cập. Công an tỉnh Hưng Yên xác minh: Trên địa bàn tỉnh không có vụ bắt cóc trẻ em nào; sự thật của vụ bắt cóc đưa trên Facebook chỉ là một vụ ăn cắp có yếu tố dâm ô. Thông thường, loại tin giả, tin xấu, tin tiêu cực có tốc độ lan tỏa cực nhanh, gấp nhiều lần so với loại tin tốt, “tin lành”, loại thông tin tích cực.

Hai là, trong vai người đưa tin - chủ động bày tỏ cảm xúc, kết nối thông tin với bạn bè, đồng nghiệp, cần phải hết sức tránh các loại thông tin chưa được thẩm định, tin tầm phào, chỉ nghe một phía, một chiều. Thái độ đúng mực, có trách nhiệm là “nói không” với việc lan tỏa tin giả, tin xấu, tin tiêu cực, tin chưa được thẩm định. Đạo đức nghề báo nghiêm cấm phóng viên, người làm nhiệm vụ phóng viên “lá mặt, lá trái”, “hai mặt”, “chém gió” khi “chơi” Facebook, mạng xã hội.

Luật pháp chống đưa tin giả, tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc ác ý, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, đất nước, dân tộc. Ai vi phạm thì pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh. Báo chí chính thống, nhất là báo mạng điện tử, các nhà báo “tâm sáng, bút sắc” có vai trò lớn, có sức công phá mạnh mẽ, nhanh chóng, hiệu quả trong cuộc chiến “Ứng xử với mạng xã hội” theo hướng lành mạnh, tích cực; trong cuộc đấu tranh chống tin xấu, tin giả, tin bịa đặt, suy diễn, xuyên tạc, tin độc hại, tin tiêu cực trên mạng xã hội.

HẢI VÂN

 

.
.
.