.

Vấn đề sống còn của Đảng

Cập nhật: 18:53, 07/05/2018 (GMT+7)

Từ ngày 7 đến ngày 12-5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) thảo luận, xem xét và quyết định 3 Đề án quan trọng: Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Đề án Cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp; Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. 

Về vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược hội đủ cả 3 yếu tố:

 Phẩm chất, năng lực và uy tín đang là một đòi hỏi bức thiết, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề đặc biệt quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc. Mọi việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Những năm qua, Đảng ta đã có nhiều Nghị quyết về công tác cán bộ và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nêu đúng và trúng nhiều nội dung quan trọng mà thực tiễn công tác cán bộ đặt ra. Đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành về nhiều mặt, số đông vững vàng về chính trị, tư tưởng, có phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, công tác cán bộ vẫn còn bị động, chắp vá, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh. Một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp chiến lược yếu kém về phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút, thiếu gương mẫu, không gắn bó mật thiết với nhân dân; rơi vào vòng xoáy của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Những biểu hiện xa dân, vô cảm trước cuộc sống còn nhiều khó khăn của nhân dân không còn là cá biệt. Hiện tượng cán bộ chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy biên chế, chạy thi đua khen thưởng, chạy tội… chậm bị đẩy lùi, thậm chí có lúc, có nơi còn nghiêm trọng, tinh vi hơn. Cán bộ quản lý trong một số doanh nghiệp thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, lợi dụng sơ hở trong quản lý để trục lợi, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, làm giàu bất chính, làm thất thoát lớn tài sản nhà nước. 

Gần đây, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị xử lý nghiêm minh, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, bước đầu lấy lại niềm tin của nhân dân. Nghị quyết của Đảng khẳng định quyết tâm chính trị xử lý các vụ việc tiêu cực, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ hư hỏng, biến chất. Để công tác cán bộ đi vào nền nếp, bài bản, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, Hội nghị Trung ương 7 thảo luận và tìm lời giải đáp thỏa đáng vì sao công tác cán bộ đã triển khai không ít Nghị quyết, chương trình hành động nhưng vẫn còn nhiều bất cập, không đồng bộ, chắp vá? Tại sao công tác cán bộ làm đúng quy trình nhưng bổ nhiệm, đề bạt vẫn có nhiều sai phạm, có cả tư lợi? Nguyên nhân của tình hình này nằm ở khâu nào? Và đặc biệt là phải tìm cho ra giải pháp đột phá, phải bắt đầu từ khâu yếu nào để khắc phục cho bằng được các tồn tại, bất cập?

Cán bộ và công tác cán bộ như Bác Hồ đã chỉ ra là khâu quyết định sự thành bại của cách mạng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ ra, công tác cán bộ là “Then chốt của then chốt”, nếu chậm đổi mới, chần chừ, trì trệ là Đảng, chế độ, đất nước, dân tộc đứng trước nguy cơ lớn của sự sống còn. Sau Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), toàn Đảng, các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến cơ sở trong cả nước cần bắt tay ngay vào hành động, tổ chức thực hiện thắng lợi có hiệu quả Nghị quyết về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ thời kỳ mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. 

Nhân dân sẽ là lực lượng  mạnh mẽ, hùng hậu giám sát công tác cán bộ của Đảng; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, phát huy tính minh bạch, công khai trong công tác cán bộ là yếu tố đưa đến thành công của công tác cán bộ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

HẢI VÂN

.
.
.