Đống "củi" nhóm lợi ích
Chỉ ít ngày sau khi ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thời kỳ 2006-2011 bị khởi tố, bắt tạm giam về các hành vi vi phạm quy định trong quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí lớn, lại liên tiếp có thông tin về việc Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra các sai phạm rất nghiêm trọng trong vụ Công ty Mobifone thuộc Bộ TT-TT mua 95% cổ phần của Công ty truyền thông tư nhân AVG; vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng và đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội vì lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi cho DN “sân sau”; hay vụ ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh bị kiểm điểm vì tự ý cho phép doanh nghiệp sang nhượng đất không đúng thủ tục, quy trình.
Báo chí cho biết, cơ quan thẩm quyền đã thanh tra và kết luận Nhà nước bị thiệt hại trong vụ ông Trần Văn Minh là 3.400 tỷ đồng, vụ ông Tất Thành Cang là 2.000 tỷ đồng - tương đương và lớn hơn số thiệt hại 3.300 tỷ đồng trong vụ Trịnh Xuân Thanh, hay 800 tỷ đồng trong vụ Đinh La Thăng. Còn riêng vụ Mobifone mua AVG, Nhà nước thiệt hại hơn 7.000 tỷ đồng. Thật khủng khiếp!
Diễn biến vi phạm của ông Minh, bà Thanh, ông Cang hay Công ty Mobifone không giống nhau, nhưng có đặc điểm cốt lõi chung là họ đều ưu ái cho các DN thân quen được mua rẻ nhiều tài sản công có giá trị lớn, cho các DN này hưởng những chính sách ưu đãi mà các DN khác hoạt động cùng lĩnh vực trên địa bàn không được hưởng. Nhắc sơ như thế để thấy, các sai phạm đều nhuốm màu “lợi ích nhóm” và các ông, bà có các sai phạm này là người của những “nhóm lợi ích”.
Người ta lại hỏi tại sao các ông, bà ấy có thể ngang nhiên làm những chuyện tày trời như thế? Tổ chức Đảng ở đâu? Cơ quan kiểm tra giám sát của Đảng bộ và chính quyền các địa phương, đơn vị lúc ấy ở đâu?... Vẫn là những câu hỏi cũ, lâu nay từng đặt ra mỗi khi phát hiện các vụ tiêu cực, mà gần nhất là các vụ đại án của các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh…
Kiểm tra, giám sát là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, vì lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Tuy vậy, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay. Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ tiến hành kiểm tra, giám sát chiếu lệ, vẫn nể nang, né tránh, không nghiêm túc, quyết liệt - do đó hiệu lực, hiệu quả thấp, không đủ sức răn đe.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trong bài viết về nhóm lợi ích và chủ nghĩa tư bản thân hữu đã nêu đặc điểm của “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp về mục tiêu, hành động, sự phân chia lợi ích giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong bộ máy Nhà nước và trong Đảng cầm quyền. Trong môi trường đó, tiền đẻ ra quyền lực và quyền lực đẻ ra tiền - người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành thế lực chi phối, làm tê liệt tổ chức và xã hội nói chung, làm vô hiệu công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước nói riêng ở một nơi nào đó, tại những thời điểm nào đó.
“Lò lửa” chống tham nhũng đang rất nóng, lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đang dâng cao. Thực tế đó nói lên rằng, cuộc chiến chống tham nhũng muốn có kết quả phải được tổ chức bởi một bộ chỉ huy có thẩm quyền tối cao, đồng thời phải hành động khôn khéo và quyết liệt. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc kiểm tra, giám sát phải làm thường xuyên, toàn diện, dân chủ, công khai, thận trọng và chặt chẽ, trong đó lấy “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Kiểm tra, giám sát và kỷ luật là để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, ngăn ngừa những hành vi vi phạm; đồng thời kiên quyết xử lý những tổ chức Đảng, đảng viên cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước. “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân tình, nhưng không thể không kỷ luật. Xử một người để cứu muôn người” - Tổng Bí thư nói.
Tham nhũng kiểu “nhóm lợi ích” là thứ tham nhũng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển ngày càng lớn thì đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất.
Đảng và cả hệ thống chính trị phải coi việc chống “lợi ích nhóm” là nhiệm vụ cấp bách; phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể; đồng thời thực hiện dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin, quy định rõ trách nhiệm giải trình; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hành quyền giám sát; đổi mới công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển đối với các chức vụ quản lý; thay thế vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “nhóm lợi ích”…
Việc “đốt lò” chống tham nhũng đang được cấp Trung ương thực hành rất chủ động và quyết liệt. Tổng Bí thư cũng đồng thời yêu cầu các địa phương, các ngành phải hưởng ứng bằng cách mỗi nơi cần thực hiện được một số vụ việc cụ thể và thuyết phục để cho cuộc đấu tranh có diễn biến tích cực hơn.
HẢI THANH