.

Cải cách thủ tục hành chính: Chưa như mong đợi!

Cập nhật: 16:12, 06/05/2018 (GMT+7)

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là câu chuyện dài mà có lẽ trong nhiều năm nữa mới đi vào hồi kết. Hơn 5.000 TTHC, điểu kiện kinh doanh (ĐKKD) đã được cắt giảm và đơn giản hóa trong những năm qua, thế nhưng cho đến nay số TTHC, ĐKKD phức tạp và nhiêu khê vẫn còn nhiều, gây khó khăn cho DN người dân trong việc tiếp cận và thực hiện. Họ vẫn phải “xin” những thứ mình cần.

Số liệu do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố tại Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 (Chỉ số SIPAS 2017) được tổ chức ngày 2-5 cho thấy mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước tăng so với những năm trước, thể hiện nỗ lực CCHC của các địa phương trong cả nước. Tuy vậy, con số hơn một nửa số tỉnh có chỉ số SIPAS thấp hơn chỉ số SIPAS chung của cả nước (80,90%) nói lên rằng cải cách TTHC còn những hạn chế, bất cập, chỉ số hài lòng của người dân về  giải quyết TTHC như cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thái độ giao tiếp, ứng xử của công chức.v.v…vẫn còn thấp.

Năm 2017, công tác CCHC được Chính phủ triển khai quyết liệt, tạo được dấu ấn rất lớn trong cải cách TTHC nhưng một số bộ, ngành cũng chỉ mới hoàn thành việc rà soát các TTHC thuộc phạm vi quản lý, chưa đưa ra phương án cắt giảm TTHC, ĐKKD, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của DN, người dân; Có tình trạng “trên nóng, dưới nóng, ở giữa lạnh”, tức là cấp trung gian như huyện, sở, vụ, cục… chưa vào cuộc.

Bước sang năm 2018, trong khi Bộ Công Thương chủ động, mạnh mẽ, quyết liệt trong CCHC, cắt giảm hàng trăm thủ tục, điều kiện kinh doanh thì nhiều bộ mới ở trạng thái… “đang đề xuất”. Mãi cho đến gần đây, việc thực hiện rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi các TTHC, ĐKKD mới được các bộ triển khai. Tuy vậy, đúng như nhận định của Tổ công tác của Thủ tướng, nhiều ĐKKD nói là bãi bỏ nhưng lại tham chiếu một điều khoản tương tự tại văn bản khác tức thực tế ĐKKD đó chưa bị bỏ. Hay một số ĐKKD trước đây là các ĐKKD nhỏ, nay được gộp lại thành ĐKKD lớn; Nhiều ĐKKD được cắt giảm  vẫn mang tính cơ học, chưa thực sự tạo ra sự thông thoáng cho DN.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhiều lần truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới các bộ ngành rằng, cắt giảm TTHC phải thực chất chứ không phải là “chơi chữ”. Phải biết cắt cái gì, cắt ở đâu. Cần phải đánh giá, lượng hóa được mỗi bộ có bao nhiêu TTHC, ĐKKD để bỏ và cắt giảm”. Phải nói thẳng như thế bởi trên thực tế, một số bộ ngành vẫn còn giữ lại ĐKKD không cần thiết hoặc quy định chung chung,không rõ ràng, không cụ thể, khó xác định, như: “Phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải sạch sẽ”, “phải thoáng mát”, “phải thuận tiện”, “phải có đạo đức tốt”, “phải có đủ sức khỏe”, “phải có trình độ”... khiến DN khó tiếp cận, thực hiện.

Cũng cần nói thêm rằng, kể từ khi đẩy mạnh CCHC, nhiều TTHC mới được ban hành theo hướng công khai, minh bạch, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho DN và người dân. Tuy vậy, vẫn còn hàng ngàn TTHC, ĐKDD chưa được cắt giảm, đơn giản hoá. Qua các kỳ họp thường kỳ, báo cáo của Chính phủ trong 4 tháng đầu năm 2018, người dân đã được nghe lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận, đánh giá, phân tích các khuyết điểm trong lãnh đạo và chỉ đạo của bộ máy điều hành. Trong đó, nổi lên hàng đầu là việc cải cách TTHC chưa như mong đợi, nhiều TTHC được cắt giảm kiểu “đối phó”, thậm chí có bộ ngành còn tranh thủ “cài cắm” điều kiện có lợi cho mình, gây khó khăn cho DN… Những lời tự phê thẳng thắn cho thấy Chính phủ không né tránh những vấn đề mà dư luận đang bức xúc, nôn nóng muốn thúc đẩy CCHC nhanh hơn, hiệu quả hơn. Hy vọng từ sự nhìn nhận thẳng thắn này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, bãi bỏ các TTHC, ĐKKD không hợp lý, không hợp pháp, gây phiên hà cho người dân và DN, đặc biệt chú trọng bố trí những cán bộ có năng lực, tâm huyết vào những vị trị có liên quan đến tiếp xúc với DN và người dân. Bởi, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Thủ tục dù tốt bao nhiêu chăng nữa nhưng con người không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.

NGUYỄN TRIỆU HẢI

 

 

.
.
.