Nâng chỉ số hài lòng
Ngày 2-5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số CCHC (PAR Index) năm 2017 của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017. PAR Index gồm đánh giá bên trong của cơ quan (có thẩm định của Hội đồng Thẩm định Trung ương) và đánh giá bên ngoài của người dân, doanh nghiệp. Theo đó, năm 2017, BR-VT xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2016, đạt 81,58 điểm.
Kết quả trên cho thấy, đã có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh trong năm 2017 để nâng chỉ số PAR Index trên các lĩnh vực: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính; Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Điểm mới của PAR Index 2017 cấp tỉnh là đã gắn kết với Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2017). SIPAS 2017 được xác định trên cơ sở khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công tại tỉnh. Theo kết quả tổng hợp của Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đánh giá về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại BR-VT năm 2017 đạt 72,18%, xếp trên TP. Hồ Chi Minh (71,19%) nhưng cách khá xa so với tỉnh đứng đầu là Vĩnh Phúc (95,75%)
Suy cho cùng, mọi nỗ lực CCHC của tỉnh là để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và kết quả thực hiện các tiêu chí phát triển kinh tê-xã hội là minh chứng mang tính chất tổng hợp để đánh giá tác động của CCHC trong năm 2017. Từ kết quả tổng hợp cho thấy, tại BR-VT vẫn còn 27,82% người dân, doanh nghiệp chưa hài lòng khi đánh giá về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Đây là điều tỉnh cần lưu ý để nâng chỉ số Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trong năm 2018.
Để nâng chỉ số cạnh tranh, nâng sự hài long của người dân và doanh nghiệp, kết luận hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 vào ngày 10-4 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đã yêu cầu cả hệ thống chính trị của tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) và PAR Index; Tập trung yêu cầu chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các sở, ngành, địa phương và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc phối hợp giải quyết các công việc liên ngành để thúc đẩy sức phát triển của tỉnh, mang lại sự hài long cho người dân và doanh nghiệp.
Ngày 17-4, UBND tỉnh đã có Quyết định 09/2018/QĐ-UBND về ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó từ ngày 2-5, UBND tỉnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị về những vướng mắc cụ thể trong thực hiện quy định hành chính do hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan, CB, CC nhà nước. Cụ thể là từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính; tự ý yêu cầu, bổ sung, đặt thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật; sách nhiễu, gây phiền hà, đùn đẩy trách nhiệm… Cá nhân, tổ chức phản ánh về: Văn phòng UBND tỉnh (số 1 Phạm Văn Đồng, TP. Bà Rịa; ĐT: 02543.727.969; Fax: 02543.852.324; Email: ksttha@vpub.baria-vungtau.gov.vn – pkstthcbrvt@gmail.com. Đây là động thái quyết liệt của UBND tỉnh để CCHC, xử lý nghiêm những CB, CC gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về tổng thể, năm 2018, Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục tạo sự đột phá về kỷ cương, kỷ luật hành chính, hướng tới nền hành chính kiểu mẫu; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và thực hiện nếp sống, văn hóa ứng xử chuẩn mực nơi công sở, nơi cư trú, địa điểm công cộng của đội ngũ CBCCVC; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hiện đại hóa nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất và hội nhập nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nâng chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
NGỌC NGUYỄN