Vẫn là câu chuyện con người
Sáng sớm thứ bảy tuần rồi, tôi đưa nhóm bạn cũ ở Đồng Tháp đến Siêu thị đặc sản biển Vũng Tàu – Baseafood Minimart (số 2, Trưng Trắc, TP.Vũng Tàu).
Vừa bước chân vào cửa, một chị hỏi: “Sao siêu thị này vắng quá? Liệu có phải là địa chỉ tin cậy của hàng hải sản khô không đây?”. Cô bán hàng có vóc người nhỏ nhắn chạy vội ra lấy giỏ đựng hàng cho khách, nhanh nhẹn trả lời, giọng vẫn vui vẻ: “Dạ cũng tùy lúc chị à. Bây giờ có vẻ như hơi sớm, khách còn đi tắm biển. Thường thì chiều, trước khi chuẩn bị về lại nhà, khách mới ghé đông. Có hôm em phải bán tới 9 giờ rưỡi tối, là quá giờ đóng cửa 1 tiếng đồng hồ đó chị”.
Nói xong cô bắt đầu chương trình giới thiệu hàng khá rành rõi. Cá thu 1 nắng thì chiên qua, sốt cà, dùng nóng với cơm gạo dẻo. Cá đù 1 nắng ướp thêm ít muối sả chiên giòn, thêm mấy lát dưa leo, ăn với cơm nguội là tuyệt. Khô chỉ vàng nướng cho mấy anh con trai nhâm nhi. Khô đuối nướng đập dập chấm mắm me. Túi thập cẩm tôm, mực, cá phi lê, nghêu thì dùng để nấu lẩu. Các loại hải sản tẩm ướp sấy, nướng đóng từng hộp nhỏ 50-100-200 gr rất đẹp và tiện dụng, có thể mua về làm quà. Tôm khô ăn với củ kiệu, còn tép khô thì xào lên nấu canh rau tập tàng, cải xanh, mồng tơi nêm chút nắm ruốc là ngon nhất. Nhắc tới mắm ruốc, cô lại quay qua giới thiệu các loại mắm ruốc nguyên chất, mắm ruốc xào sả ớt, xào thịt ba chỉ, cùng các loại nước mắm thương hiệu Vũng Tàu bằng một giọng hãnh diện về sản vật của địa phương và độ khéo của người làm ra nó. Ngay cả với câu hỏi “khó đỡ” của một khách trong đoàn rằng, nước mắm Nha Trang, Phú Quốc và Vũng Tàu em đều nói ngon thì anh biết mua loại nào, cô cũng “đỡ được” sau khi phân tích về độ đạm, hương vị, khẩu vị và mục đích mua của khách – ăn sống, chấm cá nấu chanh chua, kho cá, pha chế ăn bún thịt nướng, chấm rau, hoặc dùng với bánh tráng cuốn thịt… Cũng với cách thuyết minh này mà nhiều khách trong đoàn còn chọn thêm hàng từ quầy bán đặc sản các địa phương khác: trà Atiso của Lâm Đồng, bánh phồng tôm Sóc Trăng, kẹo dừa Bến Tre, muối tiêu tôm Tây Ninh… Khi đóng gói cho khách mang về, cô hỏi các anh chị về xa không, đi xe hết mấy giờ và rồi cô gói từng bịch hải sản 1 nắng bằng giấy báo, cho vào thùng xốp để giữ lạnh; các món khô để riêng từng túi nilon và ghi tên từng khách cho khỏi nhầm lẫn… Đến lúc này thì hầu như cả nhóm bạn “lớn tuổi, khó tính” của tôi đều có vẻ như đã giãn nở các nếp nhăn trên gương mặt. Mọi người còn trêu nhau, ai cần tiền vay thì nói nhanh mua nhanh, không thì trưởng đoàn gom hết hàng của Baseafood về Đồng Tháp làm bữa liên hoan hải sản tổng kết chuyến đi. Người mua vui, người bán cũng phấn khởi với tệp phiếu tính tiền dày cộm chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ giao dịch.
Nhưng người vui hơn cả có lẽ là tôi, với vai trò một hướng dẫn viên và với tư cách một người dân địa phương. Bữa sáng thật ngon miệng với bánh khọt Tuyết giòn rụm (84, Trương Công Định). Bữa ăn trưa mát rượi giữa vườn cây xanh ngát tại Nhà hàng Vạn Chài (2-4,Lê Hồng Phong). Buổi chiều ngồi chuyện trò, nhâm nhi chút vang trắng với các loại hải sản tươi nhìn ra Bãi Tầm Dương đầy ánh hoàng hôn từ Nhà hàng Gành Hào 2 (số 9, Hạ Long). Cả một ngày vui chơi, giỡn sóng, tối đốt lửa trại trên bãi biển 750m dài sạch tươm không một cọng rác, không hàng rong chèo kéo của KDL Biển Đông (số 8, Thùy Vân). Rồi lại kết thúc bằng chuyến mua quà biển với Cơ sở Mỹ nghệ Thanh Thêm (số 8/3, Nam Kỳ Khởi Nghĩa), đặc sản Baseafood… đã làm tăng thêm sự thi vị cho chuyến du lịch khép kín với biển và sản vật từ biển Vũng Tàu.
Vui với sự thay đổi trong xu thế vận động cùng đi lên của tất cả các DN trong ngành dịch vụ biển có lẽ cũng là tâm trạng của bát cứ ai yêu Vũng Tàu. Vì đã từ khá lâu, những điều tiếng không hay về chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa, về cung cách phục vụ của các đơn vị làm dịch vụ du lịch biển Vũng Tàu cứ bị nhấn đi nhắc lại như một vết thương không lành và khó chữa. Mặc dù chính quyền và các ngành chức năng của thành phố đã vào cuộc quyết liệt bằng các đợt kiểm tra, chấn chỉnh, xử phạt nặng những đơn vị, cá nhân có hành vi gian lận thương mại, những sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, có phong cách phục vụ, lời nói thái độ khiếm nhã với khách. Tình hình nhờ vậy đã có nhiều cải thiện tích cực. Tuy nhiên, đây đó vẫn có những vụ việc, dù nhỏ, nhưng ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và thương hiệu của cả ngành du lịch biển Vũng Tàu. “Một con sâu làm rầu nồi canh”, câu nói đó càng có giá trị thực tiễn khi mà mạng xã hội hiện đang nằm trong quyền sử dụng hết sức linh hoạt của cộng đồng. Nhưng lại cũng có câu thành ngữ “Tiếng lành đồn xa” đem lại cơ hội làm ăn cho những cơ sở dịch vụ làm ăn chân chính, có sự uốn nắn, đào tạo nhân viên về trong kỹ năng giao tiếp, bán hàng, chăm sóc khách; tạo điều kiện thu hút khách đến với Vũng Tàu ngày càng nhiều hơn khi mà chính quyền địa phương và các ngành chức năng làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, công tác tổ chức hoạt động dịch vụ, kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Bạn tôi vừa về đến xứ sở hoa sen đã kịp ghi lại một dòng status trên facebook cá nhân của chị cùng với gần 40 tấm ảnh đẹp về Vũng Tàu: “Lâu lắm rồi mới có được cảm giác vui hết mình với Vũng Tàu. Những ai hạnh phúc được sống ở vùng biển xanh này hãy nâng niu và hãnh diện về tất cả những gì bạn đang có. Còn tôi, chỉ muốn sớm trở lại nơi ấy, với những con người ấy, cảnh vật ấy, và chỉ cần như vậy thôi…”. Đó có lẽ là lời khen tặng và cũng là một sự đòi hỏi, cho tôi, cho cô bé bán hàng nhỏ nhắn ở Baseafood, cho tất cả “những ai hạnh phúc được sống ở vùng biển xanh này” tiếp tục suy nghĩ và hành động.
THÁI AN