.

Người trẻ và thời trang

Cập nhật: 16:52, 02/05/2018 (GMT+7)

Gần nhà tôi có một trường cao đẳng chuyên nghiệp với nhiều thanh niên nam nữ theo học. Mấy hôm nay có gì là lạ bắt mắt tôi. Dường như các cô gái xinh hơn hẳn. Quan sát hồi lâu tôi phát hiện ra là các sinh viên đều mặc sơ-mi trắng. Đột nhiên với các bạn gái trẻ với sơ-mi trắng dài tay “bỏ vô thùng” đẹp một cách khỏe khoắn hẳn lên. Trước đó, có cô “mốt” quá trớn đâm ra già trước tuổi, có cô thì ăn mặc tuềnh toàng. Hình ảnh này làm tôi sực nhớ tới hai ấn tượng trái ngược mà tôi có về Singapore và Bangkok của Thái Lan. Phụ nữ ở Bangkok đi làm mà ăn mặc như đi lễ hội. Vải đắt tiền, “cúp” tuyệt hảo, vai độn thật cao, jupe bó, giày cao gót. Tất cả khiến cho họ cứng ngắc khi chuyển động. Ngược lại tới Singapore ta có một cảm giác nhẹ nhàng, ít có màu lòe loẹt. Các bạn trẻ ăn mặc giản dị, gọn gàng với các loại vải chất liệu cotton, giày thể thao được sử dụng nhiều, toát lên một tác phong trẻ, khỏe của con người trong một xã hội công nghiệp.

Còn tuổi trẻ Việt Nam thì sao? Có vẻ như một phong cách riêng vẫn chưa định hình, vì có người còn nghèo quá nên ăn mặc chưa như ý muốn, còn có người giàu thì từ quần áo tới trang sức lại “không giống ai”. Đối với số đông, nhất là sinh viên, công nhân chưa có thu nhập hoặc thu nhập còn ít nên cũng chừng mực trong ăn mặc. Thật cảm động khi nghe một sinh viên kể về một chuyến tham gia công tác xã hội. Em sinh viên đã trả lời: “Em là sinh viên và trong giới hạn của mình là một sinh viên công tác xã hội-và đối tượng em tiếp xúc là những người nghèo khó, lam lũ. Nếu ăn mặc đẹp, sang trọng thì làm sao em hòa đồng với họ”?

Chúng ta mừng vì ý thức và bản lĩnh này, vì đẹp không phải là “mốt vì mốt” mà ăn mặc phù hợp với bản thân, công việc và môi trường chung quanh. Ai cũng thích đẹp và mua sắm là một hoạt động rất vui, miễn làm sao tự chủ để không “vung tay quá trán” để rồi hối tiếc. Cũng phải theo “mốt” chút xíu, miễn là điều ấy không trở thành một mối bận tâm. Không cần phải có nhiều để mua các thứ đắt tiền mà cần óc thẩm mỹ, sáng tạo để chọn một mẫu vải, mẫu áo phù hợp với mình.

Một nhà báo cho biết là 80% các bạn trẻ mà anh phỏng vấn đã mua hàng “sale off ” miễn còn tốt. Đó là cách giải quyết nhu cầu của bạn trẻ, mua cái gì lạ mắt mà ít tốn tiền. Nhưng liệu khi kinh tế khá hơn ta có bị cám dỗ bởi cái mốt hơi rườm rà của một số bạn trẻ hiện nay, hay bị lây “bệnh lòe loẹt” của một số nước lân cận hoặc xài quá nhiều cho trang sức không?

Tương lai đang chờ câu trả lời vì mọi sự tùy thuộc vào bản lĩnh của giới trẻ. Chạy theo đám đông, sao chép catalogue của nước ngoài hay chọn một phong cách “mình là mình”? Mình đang tìm cái gì cho bản thân và xã hội? Liệu ta có thể ít nhiều góp phần cho một phong cách hiện đại và dân tộc khi biết tự chủ trong tiêu dùng không?

Có một lời khuyên rất chí lý rằng, thời trang là cách thể hiện suy nghĩ cá nhân, vì vậy hãy tạo ra phong cách của chính mình và đừng đốt tiền chạy theo mốt này mốt nọ nếu nó thiết kế ra cho một “phom” người khác để thể hiện ý tưởng khác. Thời trang không phải bao giờ cũng phù hợp với tất cả dáng người và bạn sẽ phải hối tiếc khi “cõng” nó về và chỉ mặc một lần. Hãy tìm một bộ quần áo hợp với bạn để có thể mặc được lâu dài.

Lại nhớ đến một nỗ lực không mệt mỏi của nhà tạo mốt Minh Hạnh. Chị là người trong nhiều năm liền đầu tư thời gian và công sức để “tạo mốt” ít tốn tiền cho giới học sinh, sinh viên bằng vải nội địa. Nó cũng góp phần vào việc xây dựng văn hóa dân tộc, bản lĩnh dân tộc.

Trẻ, khỏe, rẻ vẫn đẹp. Tại sao không?

HẢI LĂNG

 

.
.
.