Truyền thống tôn sư trọng đạo đâu dễ quên
Hơn một tuần đã trôi qua, dư luận bức xúc về vụ việc phụ huynh một trường tiểu học ở Long An bắt cô giáo quỳ vẫn chưa bớt nóng. Nhiều người không chỉ lên án, phê phán vị phụ huynh nọ mà còn phân tích xem khả năng có thể xử lý bằng pháp luật như thế nào. Nhưng trước hết, vị phụ huynh nọ đã phải lãnh hậu quả là bị khai trừ Đảng.
Sự bức xúc của cộng đồng xã hội là điều dễ hiểu, vì hành vi của vị phụ huynh nọ đã làm tổn hại đến truyền thống tốt đẹp “tôn sư trọng đạo” của người Việt, làm tổn thương hình ảnh cao quý của người thầy. Với người Việt, người thầy cũng như cha mẹ của học sinh: “cô giáo như mẹ hiền”. Từ cổ chí kim, vai trò của người thầy luôn được coi trọng. Trong xã hội phong kiến, người thầy có khi chỉ là anh học trò nghèo hay chữ, thi cử không đỗ đạt nhưng vẫn có thể mở lớp dạy học. Cũng có khi, “thầy đồ” là một ông quan vì cảm thấy không phù hợp chốn quan trường nên cáo lão về quê, chọn nghề dạy học để truyền đạt kiến thức cho hậu thế. Dù thế nào đi nữa, “thầy đồ” vẫn nhất mực được cộng đồng xã hội tôn trọng, tin tưởng, được học trò kính trọng, thấy từ xa đã vòng tay cúi chào lễ phép. Trong làng, ai có việc gì hệ trọng, đều nhờ “thầy đồ” chỉ bảo, vì thầy là người hay chữ.
Thời hiện đại, vai trò quan trọng của người thầy vẫn không thay đổi, bởi “không thầy đố mày làm nên”. Nhưng nhiệm vụ giáo dục học trò không còn chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường mà cần có sự tương tác, hỗ trợ của gia đình, cộng đồng xã hội, đoàn thể… nhằm phát triển toàn diện cho một con người, từ khi là đứa trẻ mẫu giáo đến khi là HS, sinh viên và trưởng thành.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh đã “quên” mất vai trò của mình, phó mặc toàn bộ việc giáo dục con cái cho giáo viên, nhà trường, các trung tâm đào tạo hoặc thậm chí là người giúp việc, người dạy kèm tại nhà. Một cô giáo dạy lớp 2 than thở: Nhiều phụ huynh cứ nghĩ cô giáo như một người có ba đầu sáu tay nên mọi việc giáo dục, học hành của con cái đều phó mặc hết cho cô. Việc gì cũng “cháu chỉ nghe lời cô chứ không nghe lời ba mẹ”, để rồi “trăm sự nhờ cô”… Nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh coi con em mình là cục vàng, là báu vật, nuông chiều con quá mức, chỉ cần cô trách phạt khi con hư hoặc nghe con than thở chút là đã gọi điện phản đối, thậm chí đến “méc” hiệu trưởng! “Cả hai cách giáo dục con như trên đều không đạt hiệu quả tốt nhất. Nhà trường rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ gia đình HS”, cô giáo trên nói.
Ai từng trải qua đời HS, hẳn cũng từng có những lỗi lầm, cũng từng có những lúc bị thầy, cô giáo phạt. Hồi còn đi học, tôi và các bạn đồng trang lứa cũng bị thầy cô đánh đòn bằng thước kẻ, phải đứng khoanh tay trước lớp, hay đứng ngoài cửa nghe giảng, thậm chí phạt quỳ. Tâm lý chung của chúng tôi là rất sợ bị nhà trường phát thư mời phụ huynh đến để nhắc nhở. Khi đó, hậu quả mà chúng tôi phải nhận bằng những đòn trừng phạt của ba mẹ còn nặng hơn rất nhiều. Sau này, tôi vẫn thầm cảm ơn thái độ nghiêm khắc của thầy cô, bởi nếu không như thế, chưa chắc mình đã trưởng thành, biết sống có nguyên tắc, kỷ luật như hiện nay.
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa đúc kết: “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe để con trẻ không mắc lại lỗi lầm, xét cho cùng ở thời nào cũng rất cần thiết. Chỉ có điều, ở thời hiện đại, những hình phạt ấy cũng nên thay đổi cho phù hợp. Giáo viên phạt HS, cha mẹ phạt con cái không nhất thiết phải bằng đòn roi mà có thể áp dụng nhiều cách, người ta hay gọi là “kỷ luật mềm”, với những hình thức phù hợp. Chẳng hạn, trẻ rất thích làm một việc gì đó nhưng mắc lỗi và chưa khắc phục thì chưa đáp ứng; tạm hoãn chuyến du lịch vì trẻ chưa ngoan; chưa mua con búp bê trẻ thích vì trẻ hay quên làm bài tập…
“Tiên học lễ - Hậu học văn”, lời dạy và là phương châm giáo dục của người xưa đến nay vẫn còn nguyên giá trị, được treo hoặc viết ở vị trí trang trọng tại các nhà trường. Mong rằng, những hành vi phản giáo dục tương tự như của vị phụ huynh ở Long An nói trên chỉ là cá biệt và sẽ không bao giờ tái xuất, để nhà trường thực sự là môi trường sư phạm lý tưởng, để hình tượng cao quý của người thầy mãi được tôn vinh!
NGUYỄN ĐỨC