Lời con trẻ
Thành ngữ trên đây dùng để nói đến những điều hồn nhiên, vụng dại trong ngôn ngữ của trẻ thơ; chúng đáng yêu chứ không mang nhiều ý nghĩa như lời người lớn nên thường chẳng mấy ai để ý đến lời nói của trẻ con. Nhưng, đôi khi sự hồn nhiên của lời con trẻ cũng “dạy” cho người lớn những bài học.
Một hôm đi quán uống cà phê, bạn tôi kể mới có người quen đến chơi nhà, mấy vị phụ huynh cùng nhau say sưa nói về chuyện học của con. Vị khách thuật lại việc con mình vì đi học muộn vừa bị đội “sao đỏ” của trường ghi tên ra sao, thằng bé lo lắng thế nào, rồi xuýt xoa thương cho “cục cưng”. Bỗng nghe vang lên giọng nói: “Cô cứ cho chúng nó ít tiền là xong hết ấy mà!”.
Mấy người lớn chết lặng. Kẻ vừa đưa ra lời nói y chang lời của “người phán xử” ấy chẳng phải ai xa lạ, chính là đứa con của anh bạn chủ nhà, đang học tiểu học. Nghe đến đây, tất nhiên bạn đọc đều hiểu không hề xảy ra chuyện một trò đi học trễ đưa tiền “hối lộ” để không bị đội “sao đỏ” ghi tên. Nhưng tại sao câu nói kia, vốn thấm đẫm nỗi chua chát cay đắng của người từng trải việc đời, lại phát ra từ miệng một đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi? Vợ chồng người bạn tôi đưa mắt nhìn nhau, rồi tự hiểu nguyên nhân; và kể từ đó bảo nhau không “chém gió” linh tinh những chuyện tiêu cực của xã hội trước mặt con để con nghe và bắt chước một cách vô ý thức.
Cũng trong bàn cà phê có anh bạn khác, con đang là sinh viên đại học năm thứ ba. Tiếp nối chủ đề về “những câu nói của con”, nhưng ở “tầm cao” hơn, anh kể một lần cậu sinh viên quý tử bỗng dưng nói với bố: “Bố lên mạng bình luận ít thôi. Coi chừng ảnh hưởng đến chúng con đấy!”.
Bố nó sững sờ, vừa giận vừa vui. Giận, vì lâu nay anh chỉ viết trên mạng những ý kiến chừng mực, theo anh là có trách nhiệm và chẳng “ném đá” ai; thế mà nó lại “cảnh báo” bố như thế. Vui, vì dẫu sao, thằng con bé dại ngày nào nay đã biết suy nghĩ nghiêm túc nhiều hơn về việc hành xử trong quan hệ xã hội.
Hai câu nói của chàng sinh viên và của cậu học trò tiểu học nội dung tuy khác nhau, nhưng chung lại đều giúp các vị phụ huynh nhớ về một điều mà ai cũng từng được răn dạy nhiều lần, rằng hãy nói năng cẩn trọng, tránh gây tổn thương cho người khác, tránh gieo cho người khác những ảnh hưởng xấu.
Khi tôi viết những dòng này, báo chí đang đưa tin về “nghi án nữ sinh lớp 11 ở xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An tự tử vì bị mạng xã hội phát tán hình ảnh hôn bạn trai trong lớp học”. Nhiều “dân chơi mạng” đã tiếp tay lan truyền hình ảnh, kèm theo các lời bình nặng nề về cô gái. Nhiều năm nay, làm thế nào để người dùng mạng xã hội tỏ ra có trách nhiệm với cộng đồng, với người khác và với bản thân luôn là vấn đề nóng được bàn luận, nhưng chưa có hồi kết. Mạng xã hội có tác dụng to lớn, nhưng nó cũng nhiều lúc bị nhiều người dùng để loan tin giả, tin không được kiểm chứng, hoặc vu khống, chửi rủa một ai đó nhiều khi chẳng liên quan. “Lời nói đọi máu”; vụ việc của em nữ sinh tự tử ở Nghệ An là thêm bằng chứng nữa cho thấy mọi câu chữ, hình ảnh phát trên mạng đều có khả năng “phát nổ”, có sức “sát thương” cao, nhiều trường hợp không chịu nổi những lời chế giễu trên mạng đã tự đi tìm cái chết để trốn khỏi thứ áp lực đó. Giả dụ người thân của bạn, hay chính bạn là nạn nhân của các trò “chọi đá” trên mạng, thì bạn nghĩ sao?
Trong gia đình, cha mẹ có thể làm gương và uốn nắn cho con về lời nói, như trường hợp 2 anh bạn kể trên, nhưng với xã hội, phải có quy định pháp luật để buộc mọi người tuân theo, chứ chỉ kêu gọi chung chung “hãy dùng mạng một cách văn minh, có trách nhiệm” thì không kết quả. Lạm dụng mạng xã hội để phao tin nhảm, vu khống, làm nhục người khác, hùa theo cổ vũ cho bất cứ sự kiện hay ý kiến nào chỉ vì lợi ích trực tiếp hay cảm tính cá nhân mà không bận tâm về hậu quả hay trách nhiệm của mình… đang là một xu hướng có thật. Phải sớm ban hành luật kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội; vì chỉ có luật pháp với chế tài nghiêm khắc mới đưa được các thứ vào khuôn phép.
HẢI THANH