.

Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công

Cập nhật: 17:34, 09/03/2018 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, gồm: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (lương hưu, trợ cấp…). Mục tiêu chung của Đề án nhằm góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế. 

Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2020, trong đó: Đối với dịch vụ thu nộp ngân sách Nhà nước, sẽ có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố thực hiện qua ngân hàng; 100% hệ thống Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách. Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, 70% công ty điện lực chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn cấp huyện thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, 70% công ty cấp nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, 100% trường ĐH, CĐ chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường ĐH, CĐ nộp học phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ thanh toán viện phí, phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.

Thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công là giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại sự thuận tiện, hiệu quả, có nhiều ưu thế vượt trội hơn so với giao dịch thanh toán bằng tiền mặt, tránh được rủi ro, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Đặc biệt là nâng cao mức độ an toàn trong quản lý dòng tiền lưu động, đem đến sự hài lòng cho khách hàng khi sử dụng các sản phẩm thanh toán hiện đại của ngân hàng như Home Banking, ví điện tử, ATM, POS…

Trên địa bàn tỉnh hiện có 399 máy ATM của các ngân hàng thương mại, với mạng lưới được phân bổ rộng khắp từ khu vực đô thị đến vùng nông thôn, phục vụ khách hàng giao dịch tự động tiền mặt và thanh toán chuyển khoản; 2.096 máy POS đang hoạt động tại 1.839 đơn vị chấp nhận thẻ, giúp cho chủ thẻ tín dụng thanh toán tiền mua hàng tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng xăng dầu, hệ thống xe taxi... Thời gian qua, các DN cung ứng điện, nước, điện thoại, viễn thông trên địa bàn tỉnh cũng đã ký kết với các ngân hàng thương mại để thu tiền tiêu thụ điện, nước, cước dịch vụ điện thoại, viễn thông của khoảng hơn 30% khách hàng qua ngân hàng. Với mạng lưới ATM và POS hiện có, sẽ tạo điều kiện thuận lợi ban đầu cho người dân địa phương tham gia thực hiện Đề án thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công.

Bên cạnh đó, hệ thống các ngân hàng thương mại cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử; đầu tư trang thiết bị và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công; đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và sử dụng tài khoản để nộp, rút tiền mặt hay yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ theo quy định pháp luật. 

NHỰT THANH

 

.
.
.