Từ một chuyện nhỏ
Nhà cạnh tôi là một căn biệt thự cho khách du lịch thuê ngắn ngày. Từ trước Tết Nguyên đán tới giờ hầu như ngày nào cũng có khách. Cô chủ nhà cứ sau khi khách dọn đi là cùng với cậu con trai học lớp 11 và cô con gái học lớp 6 tới súc rửa hồ bơi, lau nhà, dọn sân, tưới cây… Vừa làm mấy mẹ con vừa trò chuyện râm ran, hào hứng. Cô bé đang cùng anh dùng vòi xịt rửa hồ bơi thì phát hiện chiếc kính cận màu đỏ xinh xinh của khách bỏ quên trên bờ hồ. “Ôi, cận nặng quá, con đeo thử chả nhìn thấy gì. Mẹ ơi, mẹ gọi cho chú trưởng đoàn liền đi mẹ, chắc của bạn nào cỡ bằng tuổi con thôi. Cận nặng như vầy, không có kính thì chẳng làm sao thấy đường mà đi”, cô bé nói một hơi.
Vân, mẹ cô bé nhanh nhảu bấm điện thoại. Anh trưởng đoàn xác nhận đúng là kính của con gái mình, vừa cận vừa loạn gần 8 độ. Nhưng xe đã lên tới cao tốc Long Thành rồi nên việc quay lại là hơi khó, trong khi “con bé ngồi im thin thít nãy giờ vì vừa sợ bị la, vừa chẳng nhìn thấy gì phía trước”. Chị Vân đề nghị một giải pháp hết sức thông minh: “Nhà mình cứ về trước đi, em ra xe Hoa Mai gởi kính, ghi tên với số điện thoại của anh. Chừng 1 tiếng đồng hồ sau khi về Sài Gòn sẽ có người nhà xe alo là anh chạy ra lấy. Mà anh ơi, tiền công gởi kính có vài chục thôi, để em trả luôn cho nha”. Tất nhiên, vị khách này rối rít cảm ơn và hẹn lần sau đi Vũng Tàu chơi sẽ lại đến ở tại khu biệt thự của chị. Vân cười tươi rói, khoe với tôi: “Trời, chuyện này nhỏ. Tuần nào dọn nhà mà chẳng có đồ đạc khách để quên. Có bữa đôi vợ chồng mới cưới còn để quên cả nhẫn kim cương nữa. Em phải chờ tới nửa đêm họ quay lại để trả. Em thấy đồ đạc đánh mất có khi cũng không phải giá trị gì cho lắm, nhưng với bản thân người mất là cả một sự bất tiện, nhất là tư trang, là những món quen thuộc, thiết thân, những món thuộc về kỷ niệm, mất đi đau lắm”.
Câu chuyện cùng mấy bà nội trợ trong xóm đưa chúng tôi tới đất nước Nhật Bản với các phòng Lost and Found (phòng tiếp nhận tài sản thất lạc) có mặt ở các sân bay, ga tàu điện, bến bus, các siêu thị, khu du lịch, khu vui chơi, bảo tàng, trường đại học, sở cảnh sát… đã và đang được du khách từng đến đất nước mặt trời mọc này ngưỡng mộ. Hoạt động của các văn phòng này về lý thuyết nghe chừng như rất đơn giản là, nhận và trả những món đồ của mọi người đánh rơi về đúng với chủ nhân của nó. Nhưng trên thực tế, nó cũng đã lấy đi rất nhiều công sức và tâm huyết của nhân viên, cũng như chính quyền địa phương và những người có trách nhiệm. Lost and Found ở một khu tắm khoáng ở thành phố du lịch Beppu khi tôi bỏ quên một máy quay phim ở bàn ăn trong khu luộc trứng gần như là một thư viện nho nhỏ ngăn nắp với các kệ gỗ đặt để những món đồ khách để quên. Nhân viên ở đây liên tục làm công việc sắp xếp và trao trả các vật dụng trở về với chủ của nó. Và rất nhiều những quyển sổ ghi chép cẩn thận mã số, tên gọi, nhận dạng món đồ, ngày giờ nhận, ngày giờ trả, thông tin cá nhân, chữ ký người nhận được lưu giữ. Cô nhân viên phụ trách ở đây cho biết, có đến 75% các món đồ được gởi lại tận tay khách. Số còn lại, theo quy định sau 30 ngày, đơn vị sẽ chuyển đến Lost and Found của Sở cảnh sát để tiếp tục hành trình “của tìm người”.
Xây dựng hệ thống các phòng giữ và trao trả đồ thất lạc cho du khách có lẽ cũng không khó lắm và cũng không mất quá nhiều nhân lực, nhưng hiệu quả đem lại thì rất lớn. Vừa tạo được sự tiện lợi nhất định cho người nhặt của rơi cũng như người sơ ý đánh mất đồ đạc; vừa xây dựng được hình ảnh thân thiện, qua đó phát triển tính thiện và lòng tốt có sẵn trong mỗi con người. Với vùng đất du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu quanh năm đón khách, thì chỉ một việc nhỏ vậy thôi, cũng rất đáng để làm và càng cần phải làm càng nhanh càng tốt. Vì chữ hai “thân thiện” của du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu đang cần trải rộng ở nhiều nơi, trên nhiều bình diện, từ phương thức ứng xử, từ sự đối đãi ân tình, cho dù đó chỉ là một việc làm nho nhỏ nhưng cần được tổ chức bài bản, khoa học, có chủ đích để những món đồ đánh rơi được trao trả lại tận tay du khách trong niềm vui của cả đôi bên.
NGỌC MINH