Giá điện tăng, tăng gánh nặng chi phí
Kể từ ngày 1-12, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh với mức giá mới là 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh).
Cùng với việc thay đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt với 6 bậc có mức giá tăng dần đã khiến cho người tiêu dùng lo ngại. Có nghĩa là, chỉ những người sử dụng dưới 100kWh mới được hưởng giá điện dưới mức giá bán lẻ điện bình quân. Còn lại, đại đa số người tiêu dùng trả tiền cao hơn giá bán lẻ điện bình quân từ 110-154%. Theo tính toán của các chuyên gia thì với giá điện mới, chỉ số giá tiêu dùng CPI bị ảnh hưởng 0,1% còn GDP bị ảnh hưởng 0,68%
Việc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay khiến người dân, DN không khỏi lo lắng chi phí sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sẽ tăng theo, đặc biệt là vào dịp cuối năm, khi giá cả nhiều mặt hàng đang tiếp tục leo thang. Mới đây, giá xăng cũng tiếp tục điều chỉnh tăng. Trong khi đó, cùng với xăng, giá điện là yếu tố đầu vào quan trọng đối với tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, nên giá điện tăng chắc chắn tác động toàn bộ các ngành kinh tế, gây thêm trở ngại cho DN. Ở góc độ sản xuất, tiền điện chiếm phần không nhỏ trong tổng giá thành sản xuất của một DN. Một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như thép, vật liệu xây dựng, chế biến hải sản... sẽ chịu tác động từ đợt tăng giá điện lần này, bởi điện chiếm từ 10-30% chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, giá điện tăng làm cho giá đầu vào như nguyên phụ liệu sẽ tăng theo. Vì vậy, khi giá điện tăng, tức là giá thành sản phẩm cũng tăng. Theo một DN ngành chế biến hải sản xuất khẩu, giá điện chiếm khoảng 10% chi phí sản xuất. Với mức giá mới này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến 7-10% lợi nhuận, trong khi đó, đơn hàng bán cho nước ngoài không thể tăng theo, còn đối với các sản phẩm tiêu thụ trong nước, tới đây sẽ phải tính toán theo giá mới cao hơn. Trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của DN sẽ ngày càng sụt giảm. Còn nếu tăng giá bán sản phẩm thì gánh nặng lúc ấy sẽ đổ lên người tiêu dùng.
Còn đối với người tiêu dùng, cũng sẽ chịu tăng thêm chi phí do giá điện sinh hoạt tăng và giá sản phẩm hàng hóa tăng theo giá điện. Chính vì vậy, cùng với việc tăng giá điện, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, ngăn chặn cơn “bão giá” trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
NGÔ GIA