.

Quản lý nợ công: từ 3 còn 1

Cập nhật: 18:35, 27/11/2017 (GMT+7)

Số liệu mới nhất do Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến cuối năm 2016, nợ công của nước ta đã ở mức 2,86 triệu tỷ đồng, bằng 64,7% GDP, gần chạm ngưỡng 65% GDP Quốc hội cho phép. Đến cuối năm 2017, dự kiến nợ công sẽ tăng lên mức cao hơn, vào khoảng 3,13 triệu tỷ đồng và sẽ đạt đỉnh vào giai đoạn cuối năm 2018.

Báo cáo đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, nước ta nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất. Theo đó, 5 năm qua, nợ công đã tăng với tốc độ chóng mặt, từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, với cơ cấu: Nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9 % và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%. Thực tế cũng chứng minh rất rõ, biểu đồ nợ công thời gian qua luôn biến động tăng mà chưa có dấu hiệu chửng lại. Cho dù với thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nhưng nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa.

Ngọn nguồn nguyên nhân từ đâu? Do chính sách “bóc ngắn cắn dài”? Do mô hình quản lý? Từ những phân tích có cơ sở thực tế cho thấy, do chính sách tài khóa nới lỏng trong những năm qua, đặc biệt do sự tồn tại trong nhiều năm về cơ chế quản lý (có tới 3 cơ quan cùng quản lý, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & đầu tư và Ngân hàng Nhà nước) là những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng gia tăng chưa có điểm dừng của nợ công. Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận xét, không có quốc gia nào giống chúng ta về cách thức quản lý nợ công, về cách phân chia 3 nhánh quản lý: một cơ quan đi vay, một cơ quan phân bổ và một cơ quan trả nợ. Tình trạng quản lý bất cập đó kéo dài dẫn tới hệ lụy “cha chung không ai khóc”, nên vừa phình to về bộ máy hành chính, vừa không hiệu quả trong quản lý, vừa bị động trong đàm phán và quản lý nợ công. Bức xúc về những tồn tại trong quản lý nợ công, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sự tồn tại này đã “nói mãi mà không sửa được”, với lý do “cái gì cho ai làm quen rồi thì họ khó nhả ra lắm”, nên nếu sửa được nội dung này thì đây sẽ là “một cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công.

“Cuộc cách mạng” trong quản lý nợ công đã được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV. Với 85,74% đại biểu tán thành, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định: Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Đồng thời, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) cũng quy định: Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Đồng nghĩa với việc, từ nay trở đi, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì quản lý nợ công và chịu trách nhiệm giải trình, vay và quản lý nợ công trước Chính phủ và Quốc hội. Ngoài ra, luật sửa đổi được thông qua lần này cũng quy định rõ, không đưa nợ tự vay, tự trả của các DNNN vào phạm vi nợ công; trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.

Gánh gặng nợ công đang là lực cản đối với quy mô phát triển bền vững của đất nước. Và, khi gánh nặng nợ công đã gần chạm ngưỡng 65% GDP Quốc hội cho phép, thì vấn đề hệ trọng này không chỉ làm cho các đại biểu Quốc hội lo lắng, băn khoăn, mà còn là sự quan tâm của người dân cả nước. Việc thay đổi và điều chỉnh kịp thời mô hình quản lý nợ công: Từ 3 cơ quan chỉ còn 1, là bước đột phá trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, giảm các đầu mối trung gian, làm  thay đổi cơ cấu quản lý liên quan tới lĩnh vực ổn định kinh tế vĩ mô, nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các chi tiêu an toàn nợ công và bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

HOÀNG LÊ

.
.
.