.

Tương thân tương ái

Cập nhật: 18:28, 26/11/2017 (GMT+7)

Nửa cuối tháng 11, khối không khí lạnh với cường độ mạnh tiếp tục bổ sung, nhiều địa phương phía Bắc rét đậm, rét hại. Trong khi đó, mưa lũ tiếp tục đổ về, dâng cao nhiều địa phương miền Trung, tiêu điểm là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam… Hàng ngàn đồng bào vùng lũ gồng mình đối phó với thiên tai. Những ngày này, mọi cấp, mọi ngành, nhiều địa phương trong cả nước đang hướng về khúc ruột miền Trung ruột thịt, thân thương. Câu hát  “Thương lắm miền Trung ơi” như một điệp khúc nhắc nhở mọi người, mọi nhà - nơi ấy - mưa bão dồn dập, đồng bào mình phải màn trời chiếu đất, chạy lũ. Do tác động của biến đổi khí hậu, ít có  năm nào bão lũ dữ và nhiều như năm 2017.

Cơn bão số 12, cơn bão mạnh trong nhiều năm nay đã quần thảo, băm nát nhiều khu vực rộng lớn tỉnh Khánh Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, có những làng chài ven biển gần như bị xóa sổ, hàng trăm người chết và mất tích. Cùng với bão  là những cơn mưa kéo dài như trút nước, thủy điện xả lũ, thủy lợi xả đập, vùng hạ du nước  trắng trời, nhà cửa ngập tận mái, đường giao thông bị chia cắt. Cứu hộ, cứu trợ quyết liệt, rất kịp thời, nhưng hàng ngàn người dân vùng lũ vẫn khốn khó.

Hơn một tuần sau đó, cơn  bão 14 lại hướng vào khúc ruột miền Trung. Tuy bão tan từ biển, nhưng do hoàn lưu bão, ảnh hưởng của áp thấp, gặp đợt không khí lạnh cường độ cao từ phía Bắc tràn về, gây mưa to, lũ lớn; mưa  hết ngày qua đêm, lũ trước chưa hết, lũ sau lại tràn về. Có nhiều xã, nhiều huyện ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị… nước ngập đường làng, ngõ xóm cả tháng, học sinh không thể đến trường, người lớn nghỉ làm, nước sạch khan hiếm, mì tôm và nước mắm cứu trợ thay bữa cơm vốn đạm bạc hằng ngày. Dự bão, cho  đến ngày 27 tháng 11, một số vùng ở miền Trung vẫn mưa xối xả, lũ trên nhiều con sông sẽ trở lại báo động 2, báo động 3. Đồng bào miền trung đã và đang đối mặt với những trận lũ mới, gắng sức chống chọi với giặc thủy tinh hung dữ. Mưa lũ, gió lốc còn diễn ra ở miền núi  phía bắc, các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Đông, Tây Nam bộ, gây thiệt hại nặng nề.

Công tác cứu hộ, cứu trợ đang diễn ra rất khẩn trương. Thủ  tướng,  Phó thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương miền Trung  đang chỉ đạo rốt ráo, quyết liệt, quyết không để cho đồng bào vùng lũ bị đói, bị rét. Chính phủ trích từ nguồn dự phòng chống thiên tai hàng ngàn tỉ đồng kịp thời hỗ trợ các địa phương miền Trung. Tỉnh BR-VT cũng đã kịp thời trích từ nguồn kinh phí địa phương gửi về miền Trung cứu trợ vùng lũ. Các cấp, các ngành, các địa phương cả nước, các doanh nghiệp,  nhà hảo tâm… bằng nhiều hình thức đang hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt, giúp đỡ -  tổ chức lại cuộc sống trong lũ và sau lũ, cứu trợ các vùng bị ngập sâu kéo dài. Các đơn vị quân đội, công an, bộ đội biên phòng, thanh niên tình nguyện được huy động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào vùng lũ.

Chưa bao giờ tinh thần - truyền thống tương thân tương ái, một miếng khi đói hơn một gói  khi no, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt lại dấy lên mạnh mẽ như lúc này. Hàng vạn thùng mì tôm, hàng trăm tấn tôm lợp nhà, hàng chục ngàn tấm chăn, màn, quần áo, thuốc chữa bệnh, nước sạch, sách vở  cho học sinh… được chuyên chở về miền Trung cứu trợ.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; Hội chữ thập Đỏ trung ương, địa phương; các tổ chức từ thiện xã hội, cơ quan báo chí - truyền thông v.v… phát động các đợt quyên góp hướng về đồng bào vùng lũ ở miền Trung và các nơi khác.  

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh BR-VT, khu vực Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Tp. HCM … tuy chưa trực tiếp đón bão lớn, nhưng lốc tố, mưa lũ kéo dài  gây ngập úng, thiệt hại không nhỏ  ở một số địa phương. Ngoài việc chủ động ứng cứu, khắc phục mưa lũ tại chỗ, các cấp, các ngành, các địa phương  đã có nhiều hình thức ủng hộ, cứu trợ đồng bào vùng lũ lụt, cứu trợ các địa phương miền Trung. 

Hơn lúc nào hết, tinh thần tương thân tương ái – giúp nhau trong cơn hoạn nạn, thấm đậm nghĩa cử  nhân ái  cao cả, làm sáng ngời truyền thống “bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Bão lũ không làm chùn bước tiến mạnh mẽ của tinh thần quật khởi và đổi mới của Việt Nam. Càng hoạn nạn, càng khó khăn, ý chí và nghị lực sáng tạo của đất nước ta, dân tộc ta càng bùng lên mạnh mẽ. 

HẢI VÂN

.
.
.