.

Đi tìm "ông nhạc trưởng"

Cập nhật: 18:53, 29/11/2017 (GMT+7)

Tại một hội nghị của ngành xây dựng, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan đã từng phát biểu một câu khiến cử tọa cười ồ: “Từ máy bay nhìn xuống, tôi có cảm tưởng như ông trời vô tình ném xuống một nắm đá vụn và đống đất đá ấy trở thành Hà Nội của chúng ta”.

Không hẹn mà gặp, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cũng có một cảm tưởng tương tự: “Từ máy bay nhìn xuống, TP. Hồ Chí Minh là hình ảnh của một đống hộp quẹt nằm lung tung không theo đường lối rõ ràng”. Đó là cái nhìn từ trên cao. Dưới mặt đất, không chỉ nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng mà bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy hai thành phố lớn nhất nước này đang “ngổn ngang trăm mối tơ vò”

trong vấn đề quản lý đô thị. Thật ra, không chỉ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mà nhiều đô thị khác ở nước ta cũng đang đối mặt với những vấn nạn như thế: xây dựng tùy tiện không tuân thủ quy hoạch, kiến trúc lai tạp, chắp vá, đường sá xuống cấp, ùn tắc giao thông gia tăng, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Đường phố xuất hiện ngày càng nhiều lô cốt, miệng cống, “hố tử thần” do nạn đào đường, lấp đường tùy tiện, thi công cẩu thả dẫn đến những cái chết oan uổng hoặc gây thương tích cho nhiều người. Tình trạng quản lý thiếu đồng bộ kéo dài đã khiến cho bộ mặt đô thị bị biến dạng theo chiều hướng ngày càng nham nhở, nhếch nhác. Việc các ngành cấp nước, điện lực, xây dựng, viễn thông… thay nhau đào đường rồi lại lấp đường tạo nên cái vòng luẩn quẩn là một ví dụ. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng sở dĩ có tình trạng đó là do công tác quản lý đô thị còn thiếu vai trò của một nhạc trưởng.

 Một thành phố có thể lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, lâu đời hay non trẻ so với thành phố khác, nhưng nhất định phải có được nền nếp của một thành phố. Nền nếp đó thể hiện trong mọi sinh hoạt hằng ngày của người dân lẫn CBCC của bộ máy công quyền. Một đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt cho người dân chỉ khi được điều hành bởi một “chính quyền đô thị”, ở đó có các nhà lãnh đạo có tầm nhìn phát triển đô thị bền vững, bộ máy giúp việc là các sở, ban, ngành với những kiến trúc sư, những chuyên gia quy hoạch và thực thi có tâm huyết và năng lực. TP.Hồ Chí Minh đã được Chính phủ giao xây dựng thí điểm “chính quyền đô thị” và được xem là có khả năng thực hiện được. Vậy mà sau mấy năm thực hiện, thành phố vẫn thiếu con người đô thị theo đúng nghĩa... Bản thân một thành phố lớn đã khó khăn như vậy thì các đô thị nhỏ hơn lúng túng trong quản lý đô thị cũng là điều dễ hiểu.

Kết quả khảo sát của ngành xây dựng cho thấy hiện nay ở nhiều địa phương, lãnh đạo và cán bộ quản lý đô thị còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, chỉ có 36% lãnh đạo, cán bộ chuyên môn quản lý xây dựng ở thành phố thuộc tỉnh và 28% chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ quản lý địa chính-xây dựng cấp phường, xã qua đào tạo quản lý đô thị! Những con số này lý giải vì sao đô thị ở nước ta mỗi nơi phát triển một cách thiếu nhất quán, mạnh ai nấy làm, phá vỡ quy hoạch tổng thể vùng, miền.

Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý để Bộ Xây dựng kéo dài thời gian thực hiện Đề án 1961 “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” đến năm 2020 và mở rộng đối tượng tham gia học tập. Mục tiêu kéo dài Đề án là đến năm 2020, phần lớn lãnh đạo các đô thị được bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị. Khó có thể có ngay những “ông nhạc trưởng” tài ba, tinh thông nghề nghiệp, cũng chưa có “phép mầu” nào xảy ra ngay sau khi lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố được trang bị kiến thức về quản lý đô thị. Nhưng, chúng ta vẫn có quyền hy vọng, quản lý xây dựng và phát triển đô thị ở nhiều địa phương sẽ được chú trọng, đi vào nề nếp hơn bởi một khi đã có “nghề”, ắt lãnh đạo đó sẽ quyết đúng hơn người chưa qua đào tạo!

NGUYỄN TRIỆU HẢI

.
.
.