.

Chớ quá lời!

Cập nhật: 09:14, 01/12/2017 (GMT+7)

Một bạn trẻ có tài khoản facebook Hana Phan than trên mạng xã hội: “Nghe các hướng dẫn viên du lịch khen một quán cháo trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.Vũng Tàu ngon đặc sắc, gia đình mình alo đặt bàn ăn tối. Đến nơi mới thấy hỡi ơi: Món cháo không hấp dẫn như mô tả. Bàn ghế xộc xệch, giấy ăn và rác bẩn đầy chân bàn. Lối đi đặt những thùng thức ăn thừa cháo rau lẫn lộn. Mấy chị rửa chén đổ cả xà bông, nước rửa ra lối đi... “.

Như một phản ứng dây chuyền, một số bạn trẻ khác cùng tên tiếng phàn nàn về việc các bạn “bị lừa” khi đến tham quan một số điểm du lịch vườn cây ăn trái, du lịch tham quan làng nghề truyền thống (nấu rượu, tráng bánh, làm mắm bằm, xe lưới, đúc đồng...). “Tất cả không như mô tả. Món ăn không ngon, phục vụ chưa nhanh, vệ sinh chưa bảo đảm, nơi vui chơi đơn điệu, sơ sài, không hề lung linh như giới thiệu của các nhà làm tour”, tài khoản Facebook Việt Nguyễn phản ánh.

Kiểm tra, đối chiếu trên thực tiễn các địa chỉ nêu trên, quả nhiên phản ứng của các facebooker khá chính xác.

Đem nội dung này trao đổi với các DN tổ chức tour, điều đáng ngạc nhiên là họ xác nhận ngon ơ: “Đúng vậy!”. Đặt câu hỏi: Vì sao lại cứ quảng bá quá sự thật, vẫn đưa khách đến những nơi chưa hay, chưa tốt và mặc dù bị khách phản ứng, bị khách chê vẫn không rút bớt những lời ca ngợi “mây xanh” trên các trang giới thiệu tour tuyến, thì được một hướng dẫn viên giải thích hết sức đơn giản: “Thì người ta đang điều chỉnh, từ từ sẽ hay hơn, tốt hơn. Ngay từ đầu mà chê và nói ra điểm yếu như chị thì ai mua tour!”.

 

Một nhà tổ chức tour khác nêu vấn đề: “Cũng có điểm làm chưa tốt cần đưa thông tin để sửa chữa. Nhưng cũng có điểm làm tốt vẫn cứ bị đánh giá không tốt vì lý do cạnh tranh. Hơn nữa, làm ăn dịch vụ bây giờ khó lắm, 9 người 10 ý khen chê vô tội vạ. Cũng có lúc đối thủ cạnh tranh mượn các trang mạng xã hội chê bai, dìm hàng để gây điều tiếng cho cơ sở dịch vụ”.

Bỏ qua những câu chuyện mang tính cạnh tranh không lành mạnh, phải công nhận rằng, thời gian gần đây, những công ty tổ chức tour du lịch đã không ngại ngần tung hô, ca ngợi những điểm du lịch, những nhà hàng, quán ăn, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi quá lời so với thực tế. Kèm theo đó, nhiều nhà làm tour cố tình bằng cách ca ngợi điểm đến hấp dẫn, dịch vụ đặc sắc để tự đánh bóng tên tuổi, huyễn hoặc khả năng tổ chức của đơn vị để bắt mối làm tour. Nhưng họ không tính đến tác động tiêu cực của sự quá lời đó là, làm mất niềm tin từ du khách và đem lại sự ngộ nhận về các dịch vụ tại BR-VT.

Đơn cử như một DN tổ chức tour tại Vũng Tàu đưa vào brochure danh mục các điểm đến: Hãy đến Cánh đồng cừu tuyệt đẹp với cánh đồng bạt ngàn cỏ xanh - Mông Cổ thu nhỏ (đó chỉ là bãi cỏ nuôi 2 đàn cừu hơn 100 con ven đường tại một xã thuộc huyện Châu Đức); Quý khách “đến bến du thuyền Marina chọn cho mình chiếc thuyền buồm lộng gió tự tay điều khiển du ngoạn trên vịnh Thiên Đường, khám phá toàn cảnh vịnh Marina đẹp như tranh vẽ, chiêm ngưỡng đảo Ngọc huyền bí và thăm giàn khoan dầu khí đồ sộ và những chiếc tàu hải quân hiện đại nhất Việt Nam” (tên vịnh Thiên Đường và tên đảo Ngọc là do DN tự đặt; còn một số giàn khoan và tàu hải quân đang neo tại các cảng thì chỉ được nhìn từ xa).

Sự khoa trương, tô vẽ, nói quá lời về dịch vụ, về khả năng đáp ứng của DN dịch vụ du lịch vô tình làm “mất điểm” của du lịch BR-VT trong mắt du khách. Khi khách thăm thất vọng về sự khác biệt giữa thực tế và lời quảng bá lại không nghĩ rằng DN đã quá lời mà chỉ chăm chắm nhận xét “BR-VT chả có gì hay”, mà quên rằng đó chỉ là sự sai lệch thông tin tại một số điểm đến do những lời quảng bá vô tội vạ và thiếu sự kiểm soát của ngành chức năng từ phía một số DN du lịch cố tình dùng những mỹ từ để câu khách.

Việc này, trên thực tế vẫn có thể kiểm soát được và cần thiết phải nhanh chóng được điều chỉnh, chấm dứt ngay tình trạng “ngộ chữ” bởi những lời tô vẽ quá hớp của các DN du lịch đang trở nên phổ biến một cách đáng báo động như hiện nay.

NGỌC MINH

.
.
.