Giáo dục kỹ năng sống để hạn chế bạo lực gia đình
Những ngày này, đi trên các tuyến đường của TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh BR-VT, chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều băng rôn với những nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và xâm hại tình dục trẻ em gái (XHTDTEG).
Những năm gần đây, tình trạng BLGĐ và XHTDTEG xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước, trong đó có tỉnh BR-VT. Mức độ và số lượng vụ việc BLGĐ, XHTDTEG diễn ra ngày một tăng, có chiều hướng diễn biến phức tạp và gây ra nhiều hệ lụy với đời sống gia đình và xã hội. Theo số liệu khảo sát trong 5 năm gần đây của Bộ LĐ-TB-XH, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 26.910 vụ BLGĐ, tính ra cứ mỗi ngày ở nước ta lại có 64 phụ nữ và 10 trẻ em là nạn nhân của những vụ bạo hành. Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ là dạng bạo lực diễn ra nhiều nhất trong gia đình, trong đó bao gồm: bạo lực về thân thể, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục. 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết, họ đã từng bị ít nhất một trong 4 hành vi bạo lực nêu trên.
Mặt khác, với tâm lý, thói quen của người Việt, bạo lực giữa cha mẹ với con cái còn diễn ra phổ biến hơn. Xuất phát từ quan niệm của cái gọi là “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”, nhiều ông bố, bà mẹ coi việc đánh đập, chửi mắng con cái khi chúng mắc lỗi là cần thiết để chúng nhận ra sai lầm và sửa chữa. Riêng tệ nạn XHTDTEG là một dạng bạo lực khác, nghiêm trọng hơn của BLGĐ, thậm chí kẻ thủ ác lại chính là những người thân thích với các em.
Hàng ngày, các vụ việc đau lòng nêu trên được phản ánh khá nhiều trên các loại hình báo chí. Tuy nhiên, đó chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm vấn nạn BLGĐ và XHTDTEG diễn ra ở nước ta hiện nay. Thực tế cho thấy, quan niệm về BLGĐ của một bộ phận không nhỏ dân cư còn khá mơ hồ và dường như chỉ có hành vi bạo lực về thân thể, XHTDTEG và bạo lực về kinh tế là được chú ý tới. Còn các dạng bạo lực khác dễ dàng bị bỏ qua, hoặc ít được chú ý. Bởi lẽ, trong tiềm thức của nhiều người vẫn còn cho rằng một cái tát, một câu chửi mắng nhau trong lúc nóng giận là bình thường, con hư thì cha mẹ phải đánh để giáo dục, hay việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của người vợ… thì những chuyện ấy đương nhiên sẽ không bị coi là BLGĐ, không bị coi là vi phạm pháp luật. Mặt khác, các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam thường mang tính khép kín, vì thế những vụ BLGĐ và XHTDTEG thường khó bị phát hiện hoặc khi bị phát hiện thì cũng rất khó để xử lý.
Nguyên nhân sâu xa của BLGĐ là do tư tưởng bất bình đẳng giới, lối xử sự gia trưởng từng tồn tại dai dẳng ở nước ta; do vẫn còn tồn tại tập quán phụ hệ và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” kéo theo hệ lụy bất bình đẳng giới. Đồng thời, ngoài vấn đề về tâm lý còn phải kể đến sự xuống cấp về đạo đức trong lối sống, trong mối quan hệ gia đình, cũng như những kỹ năng sống và kiến thức để giải quyết mâu thuẫn gia đình còn rất thiếu và yếu.
BLGĐ, XHTDTEG đã và đang là vấn nạn của xã hội, gây nhức nhối và để lại nhiều hậu quả trong đời sống xã hội và gia đình, nhất là với phụ nữ và trẻ em gái. Mặc dù, ở nước ta Luật Phòng chống BLGĐ đã có hiệu lực từ tháng 7-2008, nhưng tình trạng BLGĐ vẫn chưa giảm. Để công tác phòng chống BLGĐ đạt nhiều kết quả, để các hoạt động nhân “Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” 25-11 thêm nhiều ý nghĩa thiết thực, điều cần thiết và quan trọng là Luật Phòng chống BLGĐ cũng như các chính sách, chương trình hành động về phòng, chống BLGĐ cần phải được lan tỏa sâu rộng tới từng hộ gia đình, từng thôn xóm, khu phố. Đồng thời, các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh và tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền về kỹ năng sống để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng BLGĐ, XHTDTEG, nhằm tạo dựng hình ảnh gia đình chuẩn mực, bình đẳng, hạnh phúc và phát triển bền vững.
HOÀNG LÊ