.

Đừng quản lý công nghệ thông tin theo địa lý

Cập nhật: 20:27, 22/11/2017 (GMT+7)

Mấy ngày qua, cộng đồng cư dân mạng hoang mang về việc các trang mạng xã hội như Facebook, Google, Viber... có thể sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam. Bởi, theo Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, tại Khoản 4 Điều 34 về bảo đảm an ninh thông tin mạng có nội dung: “Các DN nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật”. 

Như vậy, nếu quy định trên của Luật An ninh mạng được thông qua, các DN nước ngoài đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như Facebook, Google, Viber... phải đặt máy chủ quản lý ở Việt Nam. Điều này rất khó khả thi và thực sự không cần thiết do giá một máy chủ rất đắt, phức tạp, tiêu tốn chi phí rất nhiều. Nếu thế giới có gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ đều bắt buộc đặt máy chủ với lý do cơ chế đặc thù về an ninh, về quản lý người dùng, thì các “ông lớn” công nghệ thông tin chắc phá sản. Mà hầu như các nước trên thế giới đều không có ràng buộc này. Vả lại, thời của “điện toán đám mây” mà bị bó buộc bởi cách quản lý theo vị trí địa lý là lạc hậu. Theo ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, chia sẻ: “Máy chủ ở đâu cũng không có ý nghĩa gì về an ninh thông tin nếu quy trình, kỹ thuật, công nghệ không đáp ứng được các yêu cầu chuẩn mực”. 

Bảo vệ an ninh đất nước là tôn chỉ hàng đầu của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc đưa ra dự luật này có thể khiến công nghệ Việt Nam thụt lùi so với quốc tế, khi mà chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, mọi việc đều cần đến Internet, nhất là các trang web thuộc top 10 do Alexa (Mỹ) thống kê như Google, YouTube, Facebook…  

Hiện nay, hầu như tất cả các vị lãnh đạo trên thế giới đều có một tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, thông qua đó để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân cũng như chia sẻ tình cảm cá nhân. Tại Việt Nam, đơn cử như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng có một fanpage Facebook để đưa các thông tin liên quan đến lĩnh vực y tế, cũng như giải đáp thắc mắc một số bệnh cho người dân hiểu rõ. Hay nhiều cơ quan nhà nước khắp địa phương trong cả nước cũng lập những fanpage Facebook để người dân tố giác tội phạm, đóng góp ý kiến… 

Theo báo cáo của We Are Social (Anh), đến đầu năm 2017 có gần 40 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, trong số này 51% dùng Facebook , 51% dùng YouTube. Được biết, hiện số đông người Việt chúng ta đều dùng Gmail (của Google) để trao đổi thư điện tử. Điều đó cho thấy, những trang web nêu trên có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống thường nhật của người Việt Nam. Nếu các “ông lớn” công nghệ rời bỏ việc cung cấp mạng xã hội, đồng nghĩa công nghệ thông tin của chúng ta đi thụt lùi so với thế giới. 

Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, khi bước ra biển lớn - một cuộc chơi mang tầm quốc tế, phải chấp nhận những quy định chung. Do vậy, việc xây dựng pháp luật nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng phải phù hợp với thời đại, với thực tiễn cuộc sống mới bảo đảm tính khả thi, mới nhận được sự đồng thuận của cộng đồng xã hội. 

THANH VŨ

.
.
.