Trả răng cho cọp!
Ngày 21-11, tại phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội (QH) đã nhắc tên của ông Phạm Sĩ Quý khi trình bày ý kiến của mình. Ông Phạm Sĩ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái, là người phải kê khai tài sản theo quy định của pháp luật, nhưng trong nhiều năm, ông đã khai không trung thực để che giấu khối tài sản gồm hàng ha đất và biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng. Cuối tháng 10-2017, Thanh tra Chính phủ công khai kết luận về vi phạm này của ông Quý, sau đó ông Quý bị kỷ luật, rời ghế Giám đốc Sở TN-MT; nhưng toàn bộ tài sản không bị xử lý, vì người đứng tên chủ sở hữu là vợ ông, pháp luật chưa quy định việc giải trình nguồn gốc tài sản của công chức và của người thân trong gia đình. Dù chẳng ai tin ông Quý có những tài sản ấy là nhờ vất vả chạy xe ôm, nuôi heo, buôn chổi đót… từ thủa hàn vi và vay mượn bạn bè (như lời ông tự giải thích), nhưng đành chịu, không có công cụ pháp lý gì để giúp làm sáng tỏ sự thật.
Đại biểu QH nhắc lại vụ ông Phạm Sĩ Quý để lấy đó làm ví dụ tiêu biểu khi nói về 2 việc liên quan đến nhược điểm chí tử của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Thứ nhất, quy định về kê khai tài sản chưa tạo cơ hội để nhân dân giám sát tài sản của công chức, do đó việc kê khai hiện nay chỉ nặng tính hình thức, không có tác dụng đấu tranh. Thứ hai, không có quy định về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản nghi tham nhũng và xử lý tài sản đó, nên Luật không đủ sức răn đe, không khắc phục được hậu quả của tham nhũng. Trở lại vụ ông Phạm Sĩ Quý, giả dụ ông Quý có kê khai đầy đủ, Luật cũng không làm sứt mẻ được gì đối với khối tài sản của ông! Bởi thế, trong 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, số tài sản tham nhũng bị phát hiện là gần 60 ngàn tỷ đồng và 400ha đất, nhưng tỷ lệ thu hồi được chỉ dưới 10%. Cả nước có 478 đầu mối chuyên về phòng chống tham nhũng thuộc các cơ quan, các ngành từ Trung ương tới địa phương, nhưng tham nhũng vẫn nảy nở phức tạp, mức độ nghiêm trọng tăng, việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng còn hạn chế, yếu kém.
Tài sản là mục đích của tham nhũng, vì vậy nếu không truy tìm và thu hồi được các tài sản do tham nhũng mà có, thì người tham nhũng không sợ, không nản lòng, vẫn có thể ung dung làm theo triết lý “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. “Hy sinh” thật ra chỉ là bị kỷ luật chứ không chết chóc gì, nên có người nguyên là lãnh đạo của một tỉnh ở Tây Nguyên thậm chí còn thách thức cả kỷ luật của Đảng và Nhà nước bằng tuyên bố: “nay tôi nghỉ làm việc rồi, muốn xử sao thì xử!”.
Các đại biểu QH khi thảo luận đều dẫn chứng nhiều nước trên thế giới có quy định nghĩa vụ của công dân phải giải trình nguồn gốc thu nhập, nếu không giải trình được, tài sản sẽ bị tịch thu, chủ nhân có thể bị ngồi tù. Nước gần ta nhất là Trung Quốc, bộ Luật Hình sự của họ cũng có quy định này; và có lẽ đấy là cơ sở pháp lý để chiến dịch chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước Trung Quốc thành công - “đả được cả hổ, diệt được cả ruồi”! Có đại biểu, như ông Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần giải quyết cụ thể “vấn đề cốt tử” của Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này, là quy định việc trao thẩm quyền cho cơ quan có chức năng kiểm soát được truy xét nguồn gốc các loại tài sản và thay mặt Nhà nước tịch thu các tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.
Báo chí đưa tin, nhiều đại biểu QH chưa hài lòng với dự thảo Luật; đa số đồng tình với đề nghị của Ủy ban Tư pháp của QH là sẽ thảo luận dự Luật này tại 3 kỳ họp QH để các vấn đề được xem xét kỹ lưỡng. Cử tri mong muốn quy định về truy tìm nguồn gốc và tịch thu các tài sản không hợp pháp là vấn đề sẽ tiếp tục được “xem xét kỹ lưỡng”, tạo ra đồng thuận cao; vì chỉ khi nào có chế tài xử lý được khối tài sản tham nhũng, thì Luật mới thực sự hữu hiệu trong việc phòng, chống tham nhũng, Luật không bị mang tiếng là “con cọp không có răng, không có móng vuốt”!
HẢI THANH