Đáng buồn, đáng thương, đáng giận
Nhiều năm nay, gần như năm nào cũng xảy ra chuyện trẻ em ở các nhóm trẻ mầm non tư thục bị bạo hành, khiến dư luận giận dữ. Sự việc bị phát hiện chủ yếu ở những nơi tốc độ đô thị hóa cao và có nhiều KCN, nhất là TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Nó cũng chỉ xảy ra ở nhóm trẻ tư thục thu học phí thấp, học sinh là con công nhân và người lao động thu nhập thấp.
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều biện pháp đề ra để ngăn nạn bạo hành trẻ, một số bảo mẫu bạo hành trẻ đã bị phạt tù. Tuy vậy, tình hình vẫn chưa cải thiện; thâm chí mức độ còn tăng nặng - như ở cơ sở Mầm Xanh quận 12 TP.Hồ Chí Minh, có cháu bị bạo hành đã mắc chứng “rối loạn ám ảnh sợ hãi”, phải điều trị tâm lý qua nhiều giai đoạn - theo kết luận của Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Nhưng, việc tồn tại của những nhóm trẻ tư thục như vậy lại là chuyện không thể khác được. Nhu cầu gửi trẻ quá lớn, các trường công lập không thể đáp ứng, nên phải xã hội hóa dịch vụ thiết yếu này. Có nhiều trường mầm non tư thục chất lượng tốt đã ra đời, nhưng thu phí cao, phần đông công nhân KCN và người lao động thu nhập thấp không thể lựa chọn. Vì vậy các nhóm trẻ tư thục phân tán trong các khu dân cư mặc sức mọc ra. Theo khảo sát của một cơ quan truyền thông, thì hiện nay tại TP.Hồ Chí Minh, chủ những cơ sở mầm non tư thục này thậm chí chỉ cần bỏ ra vài mươi triệu đồng để sửa sơ qua nhà ở của mình, thiết kế lại khu vực bếp theo quy định, sắm ít đồ chơi, hợp đồng với một số giáo viên và người quản lý có bằng cấp là đủ điều kiện được cấp giấy phép hoạt động (sau đó chủ cơ sở sẽ cắt hợp đồng với số người này). Trường mầm non công lập thu học phí 1,5 triệu đồng/tháng/cháu; các nhóm này chỉ thu 1-1,4 triệu đồng. Thu phí thấp như thế, ngoài việc không tổ chức được hoạt động dạy dỗ gì, các cơ sở này còn bị nghi vấn bớt xén tiền ăn của trẻ và là những nơi có nguy cơ cao về nạn bạo hành.
Các chính sách dài hạn của nhà nước về chăm sóc trẻ lứa tuổi mầm non (trong đó bao gồm cả việc chống bạo hành) chưa phát huy nhiều tác dụng. Địa phương nào cũng khuyến khích các chủ DN bỏ tiền làm nhà trẻ, nhưng nói chung vẫn không mấy DN tổ chức được nhà trẻ cho con công nhân của họ. Địa phương nào cũng chủ trương ưu đãi về đất đai, tài chính… cho các nhà đầu tư vào cơ sở giáo dục mầm non, nhưng đây không phải lĩnh vực đầu tư hấp dẫn. Sau vụ bạo hành trẻ ở Thủ Đức năm 2013, TP.Hồ Chí Minh đã chi ngân sách (mức chi khoảng 2 triệu đồng/người/năm kể từ năm 2014) để mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho bảo mẫu tư thục; trong đó có dạy cách kiềm chế nóng giận, cách yêu thương trẻ, chống bạo hành… Nhưng với những vụ bạo hành tiếp tục xảy ra từ đó tới nay tại nhóm trẻ tư thục, có thể thấy giải pháp này cũng không hiệu quả. Còn việc kiểm tra, giám sát, do nhân lực mỏng, mỗi phòng GD-ĐT cấp quận, huyện chỉ có 2 chuyên viên với 1 phó phòng phụ trách khối mầm non, nên khó kiểm tra sâu sát hết địa bàn.
Ai cũng muốn đứa con thơ dại của mình được vào những trường mầm non tốt, được dạy dỗ, chăm sóc trong tình yêu thương. Nhưng nguồn lực của xã hội nói chung trong việc chăm sóc trẻ mầm non - bao gồm khả năng cung ứng dịch vụ chăm sóc của nhà nước, của nhà đầu tư và khả năng thanh toán dịch vụ của phụ huynh học sinh - đều gặp những hạn chế và nhóm trẻ tư thục như hiện nay tại các đô thị và nơi có nhiều KCN là phản ánh của thực trạng này. Đầu tư thấp, thu phí thấp, chất lượng nuôi dưỡng và giáo dục thấp, có nguy cơ cao về nạn trẻ bị bạo hành… Tuy đáng buồn, đáng thương, đáng giận, nhưng nó là thực tế.
Bảo mẫu của nhóm trẻ tư thục phần lớn không được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng để yêu thương, chăm sóc trẻ, lương thấp, áp lực công việc lớn, mệt mỏi, dễ sinh bực dọc và dẫn đến bạo hành. Dù lý do gì, lỗi trước hết vẫn thuộc về họ. Cho nên, bên cạnh những giải pháp lâu dài, trước mắt nên tập trung giám sát toàn bộ hoạt động hàng ngày tại nhóm trẻ bằng việc gắn camera theo dõi, coi đó là điều kiện để cấp giấy phép. Phụ huynh muốn mọi địa điểm tại nhà trẻ, từ lớp học, nơi ăn ngủ, vui chơi, đến hành lang, nhà vệ sinh… đều nhìn thấy, không rơi vào “điểm mù”. Cách này chỉ để đối phó, không giải quyết được tận gốc nạn bạo hành, nhưng nó cũng giúp phụ huynh yên tâm hơn, nó nhắc các bảo mẫu rằng họ lúc nào cũng được hàng chục cặp mắt theo dõi, giám sát; việc bạo hành trẻ vì thế chắc cũng được giảm bớt.
HẢI THANH