"Bó tay" trước bạo lực học đường?
Một video clip dài gần 1 phút 30 giây ghi lại cảnh 3 nữ sinh lớp 10 đánh hội đồng tới tấp một bạn học. Vừa đánh, nhóm nữ sinh này vừa liên tục chửi tục. Nhiều học sinh chứng kiến sự việc nhưng không một ai vào can ngăn. Sự việc xảy ra vào tối ngày 5-11 tại Trung tâm GDTX huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau ngay trong lớp học, trước cổng trường, gây bức xúc dư luận. Vụ việc trên chỉ là một trong những minh chứng. Tính chất của những vụ ẩu đả ấy hoàn toàn không phải là chuyện trẻ con bắt nạt nhau mà thật sự là những hành vi bạo lực phi nhân tính.
Còn nhớ năm học 2010-2011, ngành giáo dục đã phát động phong trào “Nói không với hành vi bạo lực” trong nhà trường. Ngày ấy, các trường học trong cả nước đã tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia đánh nhau, không mang theo và sử dụng hung khí, vật dễ gây sát thương. Giáo viên chủ nhiệm được quán triệt phải tăng cường công tác quản lý học sinh, lưu ý các học sinh cá biệt, có biểu hiện manh động để quản lý cho phù hợp; xử lý công khai, nghiêm minh, mang tính giáo dục cao đối với các trường hợp vi phạm. Các trường cũng không quên chủ động phối hợp với công an, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương bàn giải pháp để giáo dục kỹ năng sống, phối hợp chặt chẽ với gia đình để giáo dục học sinh trong thời gian ở nhà.v.v... Thế nhưng nhiều năm học đã trôi qua, BLHĐ chẳng những không được chặn đứng mà ngày càng có xu hướng gia tăng.
Phải chăng cả xã hội đã “bó tay” trước BLHĐ?
Từ nhiều góc độ khác nhau, người ta đã làm sáng tỏ những nguyên nhân dẫn đến BLHĐ: Việc dạy người chưa được quan tâm đúng mức; Áp lực học tập đã đè nặng những căng thẳng lên học sinh, học chữ còn không hết nội dung sách giáo khoa nói chi đến học làm người. Giáo dục công dân - môn học được xem là giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh lâu nay xa rời thực tế, chưa thể giúp học sinh trang bị kỹ năng sống, hoàn thiện đạo đức, nhân cách. Ở một khía cạnh khác, nhà trường đang thiếu sự chung vai, chia sẻ của phụ huynh học sinh, của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi BLHĐ ngoài cổng trường.
Nhân cách, đạo đức ở một bộ phận học sinh bị suy giảm, lung lay do tác động từ mặt trái của xã hội thông qua internet, game bạo lực và còn bởi nền tảng gia đình không bền vững, gia đình chưa quan tâm, gần gũi với con cái, do các em thiếu được trang bị kỹ năng sống…
Điểm lại các nguyên nhân trên không phải để bàn lui mà để thấy rằng BLHĐ là một vấn đề phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng BLHĐ có hiệu quả cần có nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giải pháp chính vẫn là giáo dục định hướng cho học sinh khuynh hướng hành vi không bạo lực trong việc giải quyết các vấn đề; dạy các em kỹ năng xử lý mâu thuẫn, không tham gia chuyện đánh nhau, né tránh những nhóm tiêu cực, xây dựng môi trường cho các em vui chơi tích cực, lành mạnh. Điều này chỉ mỗi Bộ GD-ĐT không làm được mà đòi hỏi có sự kết hợp của nhiều bộ, ngành, đoàn thể, gia đình.
Đã đến lúc có một chiến lược quốc gia về giáo dục đạo đức học sinh, giáo dục cách ứng xử để học sinh có được những hành vi đúng. Đằng sau những hành vi xốc nổi của những “ngựa chứng sân trường” luôn mang một thông điệp nào đó cho người lớn. Quan tâm và tìm cách giải mã nó bằng tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu quả nhất ngăn chặn BLHĐ .
NGUYỄN TRIỆU HẢI