Lương cầu thủ - bao nhiêu thì vừa?
Nguồn lực đầu tư cho đội bóng bị cắt giảm, và như vậy thu nhập cầu thủ Việt tới đây sẽ là bao nhiêu thì hợp lý? Đó là vấn đề lớn của mùa bóng mới….
V-League và hạng nhất 2013 vừa chốt lịch thi đấu, sau hai lần trì hoãn trước đó vì lý do nhiều đội bóng thiếu kinh phí tham dự giải. Năm nay, hai giải bóng đá lớn nhất nước có số lượng đội giảm sút, V-League từ 14 xuống 12 đội, trong khi ở hạng nhất, chỉ còn 8 đội thi đấu, so với con số 14 của mùa trước. Các đội bóng giải thể đều chung một lý do là khó khăn tài chính.
|
Công Vinh đến giờ chưa biết đầu quân về đâu sau khi CLB Hà Nội giải tán, nên làm sao mơ về đội khác với mức lương cao ngất ngưỡng như ngày xưa. |
Theo tiết lộ của Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Văn Đệ, lương cầu thủ chính là chi phí lớn nhất của một đội bóng. Việc cắt giảm mức đầu tư cho đội bóng phải bắt đầu từ việc đưa mức thu nhập của cầu thủ xuống mức hợp lý. Từ những mùa trước, để cho các CLB tự do quyết định việc trả lương cho các cầu thủ của mình, với lý do mỗi đội bóng có một chiến lược nhân sự riêng. Tuy nhiên, “Mấy năm qua, cầu thủ nhận lương quá cao và bất hợp lý. Thu nhập của cầu thủ cần được đưa về mức hợp lý so với mặt bằng chung của xã hội”- HLV Vương Tiến Dũng đánh giá.
Ở quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới, VPF đưa ra mức lương tháng tối thiểu dành cho cầu thủ V-League là 10 triệu đồng, cao gấp 5 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một. Mức lương tối thiểu đối với cầu thủ hạng Nhất có hợp đồng chuyên nghiệp là 6 triệu đồng, gấp 3 lần mức lương cơ bản Nhà nước quy định cho khối doanh nghiệp tại khu vực một. Đây có thể coi là mốc chuẩn định hướng cho cả cầu thủ và CLB khi ký kết bản hợp đồng trong tương lai.
Trong cuộc họp bốc thăm xếp lịch mùa giải 2013, Giám đốc điều hành CLB Sài Gòn Xuân Thành Trần Tiến Đại tham gia đóng góp ý kiến muốn đẩy mức lương sàn này xuống nữa. “Hiện tại, lương tháng của các tuyển thủ quốc gia là 20-25 triệu đồng thì với cầu thủ trẻ để mức 10 triệu đồng mà VPF quy định là cao. Việc giảm mức lương tối thiểu sẽ khuyến khích các đội đưa các cầu thủ trẻ lên chơi ở đội V-League”- ông Đại nói. Cũng theo ông Đại, việc đẩy mức sàn lương cầu thủ xuống thấp hơn sẽ tạo điều kiện giúp đỡ CLB trong hoàn cảnh khó khăn tài chính hiện tại và các CLB có tuyến trẻ mạnh như SLNA hay HAGL sẽ có thêm cơ hội để tái cơ cấu lại đội hình.
Vấn nạn lương cầu thủ quá cao ảnh hưởng tới tài chính của đội bóng xảy ra phổ biến. Ở Thanh Hóa, bầu Đệ tiến hành đàm phán giảm thu nhập với các cầu thủ từ cuối mùa trước. Theo tiết lộ của ông bầu này, mức lương của các trụ cột ở Thanh Hóa khoảng từ 20-25 triệu đồng mỗi tháng. Cũng vì nút thắt “lương tháng” mà SLNA cũng chưa thể có chữ ký của hàng loạt trụ cột là Trọng Hoàng, Đình Đồng, Văn Hoàn, Quang Tình, Văn Bình, Ngọc Anh.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lương đột ngột là điều rất khó chấp nhận với cầu thủ. Giới quần đùi áo số có tuổi nghề ngắn, chịu nhiều rủi ro nghề nghiệp, họ chỉ trông chờ vào mức thu nhập khi còn chơi bóng đỉnh cao. Tương lai của cầu thủ sẽ được quyết định bởi số tiền tích lũy được trước đó. “Chúng tôi chấp nhận chia sẻ khó khăn với đội bóng bằng cách tự nguyện giảm lương nhưng không thể cắt tới một phần ba hay một nửa so với trước đây. Dù sao cầu thủ cũng là một nghề đặc biệt và không phải ai tập luyện cũng thành tài được” - một cầu thủ giấu tên cho biết.
Ngoài chuyện lương thưởng, các chi phí khác như ăn ở và di chuyển cũng đang được các đội bóng siết chặt trước mùa giải mới. Tại đội bóng xứ Thanh, bầu Đệ cho biết: “Toàn đội sẽ giảm thiểu tối đa những lần di chuyển bằng máy bay nếu lịch thi đấu không quá gần”.
HOÀNG HÀ