Nên dành thời gian nghiên cứu, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt
Nhiều người chia sẻ trên Facebook về tên của mình với cách viết mới theo đề xuất của PGS-TS Bùi Hiền.
|
Những ngày qua, dư luận xã hội bất ngờ với đề xuất thay đổi chữ viết tiếng Việt của Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hiền (nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông), cụ thể ông đề xuất giảm ký tự bảng chữ cái từ 38 xuống 31 ký tự. Có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh đề xuất này, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trích đăng ý kiến của bạn đọc Mai Tuấn Cường gửi đến tòa soạn.
Chữ viết là ngôn ngữ đại diện chính thể của mỗi quốc gia. Cho dù quốc gia đó có nhiều dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc thiểu số có một chữ viết khác nhau, nhưng đó chỉ là chữ viết mang sắc thái dân tộc. Và dĩ nhiên, nó không phải là chữ viết phổ thông. Nói cách khác, chữ viết phổ thông vẫn là chính thể, đó là chữ quốc ngữ tiêu biểu của một quốc gia.
Chữ viết của Việt Nam đang dùng hiện nay là chữ viết phổ thông quốc gia, nó có từ lịch sử lâu đời và trải qua hàng ngàn năm. Chữ viết đó là sản phẩm văn hóa của người Việt, được người Việt nói, viết, lưu giữ, truyền nối và đang ra sức giữ gìn sự trong sáng của nó. Sự phát triển của đất Việt suốt chiều dài lịch sử, luôn gắn kết và đồng hành cùng ngôn ngữ Việt. Và chính chữ Việt gốc đã lý giải một cách “nhân bản, sâu sắc, cặn kẽ, chuẩn xác” nhất đất và người Việt Nam với bạn bè thế giới. Người Việt cũng tự hào về chữ viết của dân tộc mình. Một dân tộc phát triển, không phải nhất thiết phải thay đổi chữ viết, nhất là chữ viết đó đã “ăn sâu bám rễ” vào tiềm thức nhân dân, có tính truyền thống lịch sử lâu đời, gắn với quá trình ra đời và phát triển của dân tộc.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Bùi Hiền đưa ra luận điểm đổi mới chữ viết, tôi cho rằng có lý đúng nhưng không trúng. Bởi, theo nghiên cứu của ông, sẽ đổi mới vị trí của nhiều chữ cái tiếng Việt hiện nay, còn cách phát âm vẫn như cũ. Ví dụ, chữ giáo dục đang dùng hiện nay thì được viết thành “Záo Zụk”, quốc ca thay bằng “cuốc ca”, tổ chức thay bằng “tổ cứk”… Như vậy, vô hình chung chữ viết chỉ âm hưởng của bài hát “Tiến quân ca” (quốc ca - bài hát nghi lễ chào cờ quốc gia), trùng với chữ viết cái “cuốc” chỉ vật dụng lao động; chữ “tổ chức” đổi thành “tổ cứk”, nhìn đã “phạm tục”.
Thực chất mà nói, điều quan trọng nhất của tiếng Việt là phát âm. Tức là chữ viết ấy phải dễ hiểu, dễ nhớ để khi phát âm, diễn tả chuẩn xác nhất ý định diễn đạt. Nếu thay đổi chữ viết, rõ ràng đang đi ngược lại với hành trình “giữ gìn bản sắc văn hóa của tiếng Việt”, bởi tiếng Việt bao gồm cả ngôn ngữ viết. Hơn nữa, nếu đổi mới, chúng ta phải thay đổi tất cả hệ thống sách giáo khoa, phải giáo dục lại từ đầu về loại chữ viết mới, tốn nhiều công sức, tiền bạc và hệ lụy tiêu cực kéo theo từ ngành giáo dục. Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề mấu chốt. Mấu chốt là chữ Việt đã thấm vào máu, là “chữ mẹ đẻ” của người Việt. Nếu cố tình thay đổi tiếng Việt, cũng đồng nghĩa với việc đang bào mòn dần bản sắc của chữ Việt vốn đẹp đẽ, nhạy cảm và phong phú.
Hiện nay, nhiều người trẻ, học sinh viết tiếng Việt dùng ngôn ngữ “lạ” khi trao đổi thông tin. Tuy nhiên, họ chỉ nói chuyện, hoặc viết cho nhau với vai trò như một “ký hiệu”, chứ thực tế không sử dụng phổ thông trong nhà trường, giao dịch, giao tiếp, văn bản. Mặt khác, chữ viết Việt hiện nay vẫn ưu việt, phát huy tác dụng tối đa về biểu cảm, diễn đạt và rất trong sáng. Do vậy, không cần phải thay đổi chữ viết lâu nay của tiếng Việt.
MAI TUẤN CƯỜNG
(Phường 11, TP. Vũng Tàu)