.

Tiến tới bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu: Người dân cần chuẩn bị những gì?

Cập nhật: 19:30, 24/11/2017 (GMT+7)
Người dân đến làm thủ thục cấp thẻ căn cước công dân tại Công an tỉnh BR-VT.
Người dân đến làm thủ thục cấp thẻ căn cước công dân tại Công an tỉnh BR-VT.

Nhiều bạn đọc liên hệ Báo BR-VT hỏi: Việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân sẽ được triển khai như thế nào? PV đã trao đổi với đại diện Công an tỉnh BR-VT và được biết: Dự kiến, năm 2020 mới triển khai thực hiện. 

Hiện nay, việc quản lý dân cư do nhiều bộ, ngành cùng thực hiện để phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước. Do đó, một người có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe hoặc các loại thẻ, chứng chỉ khác. Thông tin về họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch... là giống nhau, nhưng người dân gần như không thể sử dụng một giấy tờ để chứng minh tình trạng nhân thân chung cho các giao dịch, gây lãng phí về tài chính và nguồn nhân lực. 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, ngày 26-11-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2083/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tiếp theo đó, thực hiện công tác cải cách hành chính, ngày 30-10-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; Nghị quyết thông qua phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trong đó có lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú. Theo lộ trình dự kiến đến năm 2020, Bộ Công an sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Việc thực hiện các nội dung liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú theo tinh thần Nghị quyết 112/NQ-CP sẽ được đề xuất thực hiện khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đi vào hoạt động (dự kiến đến năm 2020). Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho biết: Hiện nay việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết TTHC, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đang được Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương thực hiện.

Vì vậy, để việc triển khai đạt hiệu quả, bảo đảm tiến độ đề ra, mỗi công dân cần nắm vững các quy định của pháp luật về việc xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quyền và trách nhiệm trong việc cung cấp và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cụ thể, mỗi công dân phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện một số nội dung như sau: kê khai đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin cơ bản theo quy định tại khoản 1, Điều 9, Luật Căn cước công dân của bản thân và người thân trong hộ gia đình vào Phiếu thu thập thông tin dân cư do Bộ Công an phát hành; xuất trình các giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân phục vụ việc kiểm tra, xác thực tính chính xác của thông tin dân cư được kê khai trong Phiếu thu thập thông tin dân cư; Kiểm tra, ký xác nhận vào mẫu Phiếu thu thập thông tin dân cư để bảo đảm căn cứ pháp lý của thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mỗi người dân có quyền được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết TTHC và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp khác. Bên cạnh đó, để đảm bảo thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật kịp thời, mỗi người dân cũng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin khi có sự thay đổi theo quy định.

Ngày 23-11, trong khi chờ làm căn cước công dân tại Đội quản lý hành chính - Công an TP.Vũng Tàu, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (trú tại phường 3, TP.Vũng Tàu), chia sẻ: “Lâu nay, sổ hộ khẩu là điều kiện bắt buộc trong nhiều trường hợp công dân thực hiện TTHC với cơ quan nhà nước, hoặc cho những yêu cầu về sinh hoạt đời sống của người dân như đăng ký kết hôn, làm giấy khai sinh, xin cho con đi học… Tới đây, nếu Nhà nước bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, quản lý nhân hộ khẩu bằng công nghệ thông tin thì đây là bước tiến mới, hiện đại trong quản lý hành chính, giảm bớt phiền hà và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các TTHC liên quan tới đời sống của mình”.

Bài, ảnh: MINH TUẤN

.
.
.