.
CHÚNG TÔI CÓ Ý KIẾN

Từ Pattaya nghĩ về du lịch Vũng Tàu

Cập nhật: 19:15, 28/11/2017 (GMT+7)
TP.Vũng Tàu cần phát triển Long Sơn thành vệ tinh du lịch. Trong ảnh: Nhà Lớn Long Sơn, đạo Ông Trần và nếp sống, sinh hoạt của người dân Long Sơn luôn cuốn hút du khách khám phá.
TP.Vũng Tàu cần phát triển Long Sơn thành vệ tinh du lịch. 
Trong ảnh: Nhà Lớn Long Sơn, đạo Ông Trần và nếp sống, sinh hoạt của người dân Long Sơn luôn cuốn hút du khách khám phá.

Từ một làng chài nhỏ ven biển, ngày nay, TP. Pattaya trở thành địa danh du lịch không thể bỏ qua trong tour du lịch đến Thái Lan. Điều đáng nói, Pattaya có khá nhiều điểm tương đồng với Vũng Tàu về địa lý, quá trình phát triển du lịch. 

Pattaya thuộc tỉnh Chon Buri, nằm cách thủ đô Bangkok (Thái Lan) 147km về phía Đông Nam. Từ những năm 1970 trở về trước, Pattaya chỉ là một làng chài nhỏ ven biển, người dân chủ yếu sống nhờ nghề đánh bắt hải sản. Một số ít buôn bán quán bia, hàng ăn, khách sạn để phục vụ lính Mỹ đóng quân tại đây. Khách du lịch cũng có nhưng thưa thớt, chủ yếu đến tắm biển và ít lưu lại qua đêm. Vậy mà đến Pattaya hiện nay luôn nườm nượp du khách cả ngày lẫn đêm. 

Ngoài tắm biển, lặn biển, ngắm san hô, tham gia các trò chơi mạo hiểm trên biển, Pattaya còn có Trung tâm hải dương học; các làng nghề rèn, mộc, gốm sứ; chợ nổi; vườn nhiệt đới Nong Nooch Tropical Garden (630ha) với 20 ngàn họ cây nhiệt đới được sưu tập, lai tạo từ 50 quốc gia của 5 châu lục; thảo cầm viên Khao Kheow (800ha) có hơn 200 loài động vật hoang dã… Các điểm tham quan này cách nhau từ 20-30km nên du khách tiện di chuyển, nhưng có đi cả ngày vẫn không thể khám phá hết được. Khi màn đêm buông xuống, các hoạt động giải trí về đêm tại Pattaya gồm: show Alcazar (ca múa nhạc kịch) hay Tiffany do các diễn viên chuyển giới biểu diễn; các quán bar, vũ trường trở nên nhộn nhịp và những món ăn vặt trên khu phố đi bộ thôi thúc du khách dạo chơi, khám phá suốt đêm. Đó là lý do khiến gần 1.000 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao ở Pattaya luôn hoạt động hết công suất. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan cho biết, năm 2016, có 13 triệu khách tới Pattaya trên tổng số hơn 32 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan đã nói lên sự hấp dẫn của thành phố này. 

Từ Pattaya liên hệ đến du lịch Vũng Tàu, chúng tôi thấy có khá nhiều tương đồng về vị trí địa lý, khí hậu đến lịch sử phát triển du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của Vũng Tàu đến nay vẫn chủ yếu là tắm biển, các điểm tham quan, vui chơi còn nhỏ, lẻ, khách đến Vũng Tàu chỉ tắm biển, thăm thú vài nơi là đã hết và không muốn quay lại. 

Để kéo dài thời gian nghỉ dưỡng của du khách, chúng tôi cho rằng TP.Vũng Tàu cần có thêm các điểm du lịch vệ tinh, đồng thời đa dạng dịch vụ vui chơi, giải trí để “kéo” du khách ra khỏi khách sạn, nhất là khi đêm xuống. Xã đảo Long Sơn có tín ngưỡng Ông Trần và di tích Nhà Lớn Long Sơn khá bí ẩn với du khách. Xã đảo cũng phát triển mạnh nghề nuôi hàu, cá lồng bè và hệ thống nhà hàng nổi trên sông. Đảo có biển, rừng ngập mặn và đồi núi. Nếp sống, sinh hoạt của cư dân đậm chất Nam bộ. Giao thông kết nối Long Sơn với Vũng Tàu và khu vực lân cận thuận tiện. Vì thế, Long Sơn hội đủ những yếu tố trở thành điểm du lịch vệ tinh của TP.Vũng Tàu với loại hình du lịch cộng đồng. Do đó, chính quyền TP.Vũng Tàu cần tổ chức nghiên cứu bài bản, khuyến khích, hướng dẫn cách làm, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch để người dân mạnh dạn đầu tư đón khách du lịch. Bên cạnh đó, một khu du lịch nghỉ dưỡng, giải trí quy mô như Vinpearl Land (Khánh Hòa) hay Bà Nà Hills (Đà Nẵng) rất cần thiết để làm điểm nhấn tạo ra chuỗi du lịch độc đáo, đẳng cấp cho du lịch Vũng Tàu. Hiện nay, khu đất thuộc KDL Vũng Tàu-Paradise rất phù hợp để thu hút đầu tư khu giải trí phức hợp. 

Ngoài ra, du lịch Vũng Tàu phát triển tập trung ở 2 khu vực chính gồm: Bãi Trước và Bãi Sau. Bãi Trước có lợi thế thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng từ đầu thế kỷ XX với một số công trình kiến trúc được xây dựng từ thời Pháp, đến nay vẫn còn như: Bạch Dinh, cụm biệt thự ở khu vực Lam Sơn, dọc trục đường Trần Hưng Đạo - Lê Quý Đôn. Trước năm 1975, khu vực quảng trường Trưng Vương, ngã ba các tuyến đường đổ ra biển Bãi Trước như: Lý Tự Trọng, Bacu, Lê Lợi… các quán bar, giải khát, hàng ăn uống mở ra sát vỉa hè, hoạt động nhộn nhịp bất kể đêm ngày. Hiện nay, khu vực vẫn có nhà hàng, quán xá chạy dọc đường Quang Trung, Trần Phú nhưng nhỏ lẻ, rải rác và đóng khung trong phòng kính. Để Bãi Trước sống động hơn, các quán xá nên tổ chức thành chuỗi liên hoàn. 

Ở khu vực Bãi Sau, đường Thùy Vân (từ ngã ba Thùy Vân - Phan Chu Trinh đến KDL San Hô Xanh) và các tuyến đường xương cá gồm: Phó Đức Chính, Phan Văn Trị, La Văn Cầu, Dã Tượng có thể quy hoạch thành phố đi bộ với điểm nhấn là chợ đêm trên đường Thùy Vân bày bán hàng lưu niệm, ẩm thực, giải khát, thời trang… để du khách dạo chơi, mua sắm, ăn uống. 

Làm được những điều trên, TP.Vũng Tàu sẽ có thêm nhiều sản phẩm để thu hút và giữ chân du khách lưu lại lâu hơn, bộ mặt và thương hiệu du lịch Vũng Tàu dần được nâng tầm để có cơ sở hiện thực hóa giấc mơ một ngày không xa Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố không ngủ như Pattaya.

MINH HIỀN
(Đồ Chiểu, phường 1, TP.Vũng Tàu) 

.
.
.