ĐỔI MỚI MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật trong trường phổ thông có một vị trí quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện học sinh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong trường phổ thông, tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đều góp phần hình thành ở các em những giá trị đạo đức nhân văn và giá trị pháp luật, nhưng môn Giáo dục công dân (GDCD) là môn học trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này. Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được đưa ra một vài kiến nghị cụ thể để nâng cao chất lượng dạy và học môn GDCD, từ đó phát huy hiệu quả bộ môn với việc giáo dục đạo đức và giáo dục pháp luật cho các em.
- Thứ nhất: Quán triệt sâu sắc hơn nữa trong xã hội và học sinh về vị trí và vai trò của môn GDCD với giáo dục đạo đức và pháp luật cho học sinh.
Trước hết cần phải kịp thời khắc phục những quan niệm không đúng, hoặc không đầy đủ của một bộ phận xã hội, của học sinh về vị trí và vai trò của môn GDCD trong trường phổ thông. Đó là những quan niệm cho rằng môn GDCD là môn phụ, môn bổ trợ, học cũng được, không học cũng chẳng sao. Quan niệm này đã tác động tiêu cực đến giáo viên trực tiếp giảng dạy môn GDCD và học sinh, từ đó ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức và pháp luật qua môn GDCD cho các em, nhất là trong hoàn cảnh đất nước ta đang có những biến đổi sâu sắc, toàn diện. Cần phải nhận thức một cách sâu sắc rằng môn GDCD là môn khoa học xã hội trong trường phổ thông và phải đối xử với nó “như một khoa học”.
- Thứ hai: Đáp ứng đủ về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDCD hiện có.
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2000-2001 giáo dục phổ thông cả nước thiếu 80.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở các môn: GDCD, kỹ thuật, âm nhạc, thể dục, tin học… Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức và pháp luật qua môn GDCD, nhất thiết phải giải quyết nhu cầu về số lượng, đồng thời với việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên GDCD bằng cách: Từng bước chuẩn hóa cho những giáo viên chưa đủ chuẩn; đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên với nhiều loại hình: ngắn hạn, dài hạn, chuyên đề, hội thảo, tự học có hướng dẫn… cho các giáo viên trên phạm vi cả nước; đặc biệt là bồi dưỡng về pháp luật và phương pháp dạy những bài về pháp luật trong chương trình GDCD lớp 12… Việc nâng cao chất lượng giáo viên GDCD phải chú trọng vào đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong giảng dạy GDCD không phải cứ giảng thật nhiều, nói thật nhiều, mới có hiệu quả mà thực chất hiệu quả nằm ở việc giáo viên là người mở hướng về mặt tư duy, tạo ra sự say mê và hứng thú học tập của học sinh.
- Thứ ba: Nhanh chóng đổi mới nội dung chương trình môn GDCD cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Trước hết cần phải có một bộ sách GDCD ổn định cho các cấp học, không thể để mãi ở mức “Tài liệu giáo dục công dân” như hiện nay (đối với lớp 11, 12). Về mặt nội dung, cần có những sửa đổi căn bản, vừa kế thừa, vừa chuyển tải được những giá trị đạo đức và pháp luật mới.
Nên chăng đưa phần pháp luật lớp 12 xuống dạy ở lớp 10, để ngay từ đầu cấp THPT, các em đã được học những vấn đề cơ bản về pháp luật Việt Nam. Ngoài ra cần phải đưa tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức và giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ vào môn GDCD thành những bài độc lập (ví dụ: mỗi khối lớp 1 bài).
- Thứ tư: Về phía học sinh: Cần phải phát huy tính tích cực chủ động học tập của các em, tránh lối học máy móc thụ động. Giáo dục cho các em ý thức vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, việc đưa môn GDCD vào môn thi tốt nghiệp; đẩy mạnh công tác thanh tra dạy và học; đổi mới cách đánh giá chất lượng dạy và học v.v… cũng là những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức và pháp luật qua môn GDCD trong trường phổ thông hiện nay ở nước ta.
Thạc sĩ Nguyễn Sĩ Quyết Tâm
(Giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Vũng Tàu)