.

Cẩn trọng phòng dịch covid-19 cho người cao tuổi

Cập nhật: 21:47, 06/04/2020 (GMT+7)

Người cao tuổi là những trường hợp dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là những người sẵn có các bệnh mãn tính.  Do đó, các cơ sở điều trị đã sẵn sàng các biện pháp hỗ trợ chăm sóc, phòng bệnh cho người cao tuổi (NCT). 

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi.

TRÁNH LÂY NHIỄM CHÉO CHO NGƯỜI CAO TUỔI TẠI BỆNH VIỆN

Tại các bệnh viện (BV), NCT được chăm sóc, điều trị ở các khoa tim mạch lão. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các đơn vị này đã tổ chức phân loại bệnh nhân điều trị nội trú theo hai mức: Bệnh nhân thể nhẹ, chỉ sử dụng thuốc viên thì được bố trí cho xuất viện sớm; trường hợp nặng, phải sử dụng thuốc tiêm thì mới phải ở lại BV điều trị. Những bệnh nhân điều trị ngoại trú thì được kéo dài hơn thời gian cấp thuốc về nhà tới 2 tháng, thay vì 1 tháng như trước đây. Sở dĩ phải tổ chức phân luồng như vậy nhằm hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm chéo cho những bệnh nhân NCT, mắc bệnh mãn tính, là đối tượng dễ bị tổn thương nhiều nhất nếu không may mắc phải COVID-19.

Bác sĩ Trần Mạnh Tuân, Trưởng Khoa Tim mạch lão học, BV Lê Lợi cho biết: Hiện khoa chỉ bố trí 20 bệnh nhân điều trị nội trú (giảm 30 bệnh nhân so với thời điểm trước mùa dịch). Đây đều là những bệnh nhân nặng, phải dùng thuốc tiêm và cần phải theo dõi liên tục. Với những trường hợp nhẹ, khoa đã giải quyết cho xuất viện sớm. Dù vậy, trước lúc xuất viện, bác sĩ đã tư vấn, dặn dò kỹ lưỡng bệnh nhân và người nhà phải liên tục theo dõi triệu chứng của người bệnh. Nếu có bất thường xảy ra phải lập tức vào BV để được điều trị kịp thời.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính đang phải nằm điều trị tại Khoa Tim mạch lão, việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh COVID-19 càng được chú trọng hơn. Bà Nguyễn Thị Huệ, 80 tuổi (phường 5,  TP.Vũng Tàu) đang nằm điều trị tại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi. Bà bị nhiều chứng bệnh mãn tính nặng như suy tim, cao huyết áp, tiểu đường nên phải nằm viện cả tuần nay. Các điều dưỡng chăm sóc viên vui mừng cho biết, tuy tuổi đã cao, nhưng sau khi được hướng dẫn phòng bệnh, bà Huệ thường xuyên thực hiện việc rửa tay sát khuẩn nhiều lần trong ngày khi thấy tay bẩn, hay khi chạm vào đồ vật cảm thấy không an tâm. Bà Huệ cũng biết cách và luôn đeo khẩu trang kể cả lúc đi ngủ.

Tương tự, những người đi chăm bệnh cũng tuân thủ tốt các biện pháp phòng lây nhiễm dịch bệnh để bảo vệ cho người thân mình. Bà Đặng Thị Sửu (phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) chăm chồng đang điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi kể: “Mỗi lần chăm sóc cho chồng tôi đều rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Hàng ngày, tôi đưa các vật dụng cá nhân của ông ấy về nhà để trụng nước sôi rồi mới đưa trở lại cho ông dùng. Tôi cũng không dám đi đâu, ngoài thời gian chăm chồng ở viện thì cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, để hạn chế việc gặp gỡ, tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh”.

Một bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, thường xuyên lên cơn khó thở, nên phải ở lại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi để được theo dõi, điều trị.
Một bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, thường xuyên lên cơn khó thở, nên phải ở lại Khoa Tim mạch lão, BV Lê Lợi để được theo dõi, điều trị.

BỆNH NHÂN Ở TUYẾN TRÊN SẼ ĐƯỢC THEO DÕI TIẾP Ở ĐÂU?

Bên cạnh việc chăm sóc, phòng bệnh cho NCT mắc bệnh mãn tính ở các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh, một số trường hợp đang điều trị bệnh mãn tính ở tuyến trên tại TP.Hồ Chí Minh cũng được hướng dẫn về địa phương để điều trị và theo dõi bệnh tại nhà. Tuy nhiên, không ít người cảm thấy lo lắng nếu xảy ra biến chứng hay bất thường gì thì sẽ không thể trở lên BV tuyến trên để điều trị trong thời gian cách ly xã hội 15 ngày (tính từ ngày 1/4).

Trả lời những lo lắng nêu trên, bác sĩ Trần Mạnh Tuân cho biết, các trường hợp mắc bệnh mãn tính điều trị ở tuyến trên chẳng hạn như lọc thận nhân tạo màng bụng, khi đã có chỉ định của bác sĩ tuyến trên cho thuốc điều trị và theo dõi tại nhà thì bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Trong trường hợp xảy ra biến chứng, bất thường, thường gặp nhất là nhiễm trùng ở bệnh nhân lọc thận nhân tạo màng bụng, thì cần đến cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh để được xử lý kịp thời. Các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hiện nay đều có đủ khả năng để xử lý các trường hợp nói trên, nếu vượt khả năng chuyên môn, BV sẽ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên bằng phương tiện của BV theo đúng quy định. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

 

BÀI CÙNG CHỦ ĐỀ

- MANG THAI, SINH CON TRONG MÙA COVID-19: Không nên quá lo lắng!

- Phòng ngừa dịch COVID-19 cho bệnh nhân ung thư

- An toàn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo

- Giảm mạnh số trẻ nhập viện

Trung tâm Y tế huyện Xuyên Mộc: Chủ động dự phòng điều trị dịch bệnh COVID-19

Bệnh viện Lê Lợi: Ngăn chặn sớm mọi nguy cơ lây nhiễm chéo

Bệnh viện Bà Rịa: Siết chặt hơn quy trình sàng lọc covid-19

.
.
.