.
Công tác chăm sóc trẻ em tại thị trấn Long Hải:

NHỮNG CHUYỂN BIẾN ĐÁNG GHI NHẬN

Cập nhật: 10:51, 21/04/2004 (GMT+7)

Trong số hơn 35.000 dân của thị trấn Long Hải, huyện Long Điền có hơn 17.000 người là tạm trú. Do cuộc sống còn chưa ổn định nên việc chăm sóc con cái của những gia đình  nhập cư đang gặp khó khăn. Gần một năm qua, việc triển khai thực hiện cuộc vận động "Xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em", công tác chăm sóc trẻ em  ở thị trấn Long Hải bắt đầu có chuyển biến tích cực, góp phần tạo điều kiện cho trẻ em ở đây được vui chơi, học hành.

BƯỚC ĐẦU KHÓ KHĂN

Đội văn nghệ thiếu nhi của khu phố Hải Phong biểu diễn tại lễ công nhận khu phố văn hóa.

Trên địa bàn thị trấn Long Hải hiện có khoảng 80 em phải lao động sớm, trong đó có khoảng 50 em làm công việc chế biến hải sản, còn lại là đi bán vé số, lượm ve chai…. Gia đình khó khăn nên cha mẹ các em không có điều kiện chăm lo cho con cái đến nơi đến chốn. Vì thế, các em đều thất học, hoặc có thì cũng chỉ được học tại các lớp tình thương. Nhưng vào mùa cá, chuyện các em bỏ học ở nhà phụ cha mẹ là điều bình thường. Bên cạnh đó, do sớm lăn lộn trong cuộc mưu sinh, tiếp xúc với nhiều mặt trái của xã hội nên các em dễ bị lây nhiễm những thói hư, tật xấu. Hơn nữa, là địa bàn du lịch, tập trung nhiều các tệ nạn xã hội và những tệ nạn này cũng đã ít nhiều tác động đến các em. Vì vậy, trong nhiều năm qua, tình trạng trẻ chưa ngoan, trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật luôn là vấn đề khiến các ban ngành của địa phương trăn trở.

NHỮNG CÁCH LÀM HAY VÀ THIẾT THỰC

Thực hiện cuộc vận động "Xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em", UBND thị trấn đã xây dựng đề án với những công việc cụ thể cho từng ban ngành tại địa phương. Hội phụ nữ với vai trò là người mẹ, người chị trong gia đình có trách nhiệm giúp đỡ các em về mặt tinh thần; gần gũi động viên các em khó khăn; tìm hiểu hoàn cảnh của các em để tránh nạn bạo hành trong gia đình. Còn Đoàn thanh niên có nhiệm vụ tạo sân chơi lành mạnh cho các em vui chơi sau giờ học tại trường. Bên cạnh đó, một số địa bàn trong quá trình thực hiện xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em cũng có những cách làm riêng với những kết quả thiết thực.

Tại khu phố Hải Phong I, qua các buổi họp của hội phụ nữ khu phố, các chị được trang bị những kiến thức về quyền trẻ em, cách chăm sóc, nuôi dạy con cái… Còn Đoàn thanh niên có nhiệm vụ tập trung và tổ chức cho các em vui chơi, sinh hoạt lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội. Chính từ những buổi sinh hoạt này, một đội văn nghệ thiếu nhi đã được thành lập với hơn 30 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên và là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động văn hoá của địa phương.

Ở khu phố Hải Sơn lại có cách làm khác, ở đây các ban ngành đã có sự phối hợp để tìm nguồn tài trợ cho các em. Do không có điều kiện xây dựng khu vui chơi cho các em ngay tại địa bàn, lãnh đạo khu phố đã phối hợp cùng tổ chức đoàn, đội của các trường học trong địa bàn tạo sân chơi cho các em vào các dịp nghỉ với nhiều hoạt động hấp dẫn như: sinh hoạt cộng đồng, nghi thức đội, chơi thể thao... Đối với những trẻ em, con các gia đình chưa có hộ khẩu thường trú, lãnh đạo khu phố đã đứng ra bảo lãnh cho các em được đăng ký khai sinh tại công an thị trấn, để có điều kiện đến trường.

Bên cạnh những hoạt động của các cơ sở, công tác chăm sóc, giáo dục và giúp đỡ trẻ em chưa ngoan, trẻ lang thang và trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn cũng được thị trấn quan tâm. Ngay khi phát hiện ra có trường hợp trẻ lang thang tại địa bàn, tổ phụ trách trẻ em thị trấn nhanh chóng tiếp cận và tổ chức đưa các em về Trung tâm bảo trợ trẻ em của tỉnh để kịp thời được chăm sóc.  Còn với những trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, địa phương đã có sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các em như trường hợp em Châu Thị Thuận, ngụ tại ấp Hải Phong I. Bị tật nguyền từ nhỏ, 16 năm qua, được thị trấn luôn hỗ trợ em thường xuyên được nhận quà là quần áo, thuốc men và khoản trợ cấp 100.000 đồng hàng tháng.

Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ chưa ngoan, trẻ có nguy cơ phạm pháp cũng được thị trấn đặc biệt quan tâm nhằm tạo điều kiện cho các em tự tin hoà nhập cộng đồng. Điển hình là trường hợp em Nguyễn Văn Chiến. Khi phát hiện Chiến có những biểu hiện tụ tập cùng bạn bè xấu tại địa phương, một mặt kịp thời thông báo cho gia đình tìm cách nhẹ nhàng giáo dục em, mặt khác các đoàn thể của thị trấn đã kịp thời theo dõi hoạt động của em, tách dần Chiến khỏi bạn bè xấu, đưa em đi học nghề sửa xe máy. Đến nay, Chiến đã thành thợ sửa xe máy thành thạo cho bà con chòm xóm, cuộc sống đã ổn định.

Có thể nói, với những việc làm thiết thực của các ban ngành, cuộc vận động "Xây dựng khu dân cư phù hợp với trẻ em" ở thị trấn Long Hải đã và đang góp phần tạo một môi trường lành mạnh để trẻ em được sinh sống, vui chơi và học tập.

Bài và ảnh: Thanh Xuân

.
.
.