"THUỐC" CHƯA ĐỦ "ĐÔ"
Gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép trên sông trở nên sôi động, gây thiệt hại nguồn tài nguyên và ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân, việc quản lý của các ngành chức năng cũng chưa đạt hiệu quả.
THẤY BỞ ĐÀO MÃI
Theo báo cáo của Đội quản lý giao thông đường thủy thuộc Sở Giao thông - Vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 30 phương tiện nhỏ (tàu gỗ) có sức chứa khoảng 50 m3 và 5 phương tiện lớn (tàu sắt) có khả năng chứa đến 100 m3 đang hoạt động khai thác cát tại các khu vực: Phước Tỉnh (huyện Long Điền) và sông Mỏ Nhác thuộc địa phận xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu). Lực lượng tàu khai thác cát trái phép này không chỉ của người trong tỉnh mà còn từ các tỉnh khác như: Long An, Đồng Nai đến.
Một tàu sắt đang khai thác cát trên sông Cửa Lấp. |
Một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động khai thác cát dưới lòng sông trở nên khá nhộn nhịp là, các mỏ cát san lấp trên đất liền ngày càng cạn kiệt, việc quản lý khai thác cát trên đất liền cũng ngày càng chặt chẽ hơn, các chủ vựa cát san lấp chuyển hướng sang khai thác và mua bán cát ngay dưới lòng sông. Đây là nguồn tài nguyên dễ khai thác, chỉ cần một chiếc máy bơm hút có giá từ 3 đến 6 triệu đồng và đặt máy hút trong vòng 3-4 giờ là có thể kiếm được 300.000đ - 500.000đ. Trong khi nhu cầu san lấp ngày càng nhiều, con cá con tôm thì ngày một ít đi, những người sống bằng nghề sông nước chuyển sang khai thác cát dễ kiếm sống hơn. Để quản lý nguồn tài nguyên này, UBND tỉnh đã có qui hoạch vùng khai thác cát. Nhưng trên thực tế rấùt khó kiểm soát hoạt động khai thác cát trên sông bởi đặc thù hoạt động sông nước vốn rất phức tạp, tàu bè nay đây mai đó, các mỏ cát không lộ thiên như trên bộ. Hơn nữa, công tác quản lý các hoạt động trên đường thuỷ khó khăn hơn so với đường bộ; lực lượng chuyên trách là Thanh tra giao thông đường thủy và Đội quản lý giao thông đường thủy vừa thiếu vừa không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thu giữ phương tiện khai thác cát trái phép, các biện pháp chế tài chưa đủ sức để răn đe… Vì vậy, mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều đợt truy quét, song vắng bóng họ là mọi việc lại đâu vào đó.
"THUỐC" CHƯA ĐỦ "ĐÔ"
Trong tháng 3 đầu năm 2004, lực lượng thanh tra giao thông thuộc Sở GT-VT phối hợp với đội quản lý giao thông đường thủy tiếp tục mở đợt kiểm tra truy quét. Mỗi đợt ra quân, bắt giữ từ 3 đến 4 tàu khai thác cát trái phép. Theo qui định, thanh tra viên chỉ có quyền thu giữ tài sản có giá trị từ 500.000đ trở xuống, trong khi đó, giá trị mỗi con tàu khai thác cát lớn hơn cả hàng trăm lần. Các qui định xử phạt đối với từng lỗi vi phạm trên đường thủy lại không cụ thể, rõ ràng. Hơn nữa, khi kiểm tra, thường không có mặt chủ phương tiện, cũng không có bất cứ giấy tờ gì để thu giữ, lực lượng chức năng buộc phải yêu cầu đưa phương tiện về cảng tạm giữ. Do lực lượng ít nên cơ quan chức năng chỉ bố trí 1 người canh giữ, trong khi số lượng người trên tàu vi phạm đông. Mặc dù chưa có xung đột xảy ra nhưng không thể nói rằng sự không cân sức này là không nguy hiểm. Đã có trường hợp chủ tàu lợi dụng sơ hở, chặt khóa cởi dây neo chạy trốn. Trong lúc trốn chạy, tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng, các chủ tàu rất dễ gây ra tai nạn giao thông…
Theo những người làm nhiệm vụ, chỉ có một biện pháp hữu hiệu nhất là tịch thu máy hút cát, song để đưa được một chiếc máy hút cát có trọng lượng 200-300 kg lên bờ trong điều kiện thiếu phương tiện thì không phải là chuyện dễ dàng.
Có thể thấy rằng, việc kiểm tra xử lý vi phạm không hiệu quả là nguyên nhân khiến cho các chủ tàu xem nhẹ kỷ cương phép nước. Trước thực trạng này, cần có qui định xử phạt nghiêm những vi phạm trên đường thủy nói chung và hoạt động khai thác cát nói riêng, nhằm bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên và không gây sạt lở bờ sông.
Bài, ảnh: Huỳnh Liên