SỐNG TỰ TIN TRONG VÒNG TAY CỘNG ĐỒNG
TIN VÀO CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Tại Hội nghị biểu dương người tàn tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội ngày 7 và 8-4-2004, 4 tấm gương điển hình của Bà Rịa-Vũng Tàu đã được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội tặng bằng khen. Bằng ý chí và nghị lực của mình, những người tàn tật đã vượt lên những khó khăn, vất vả của cuộc sống, những trở ngại mà không ít người bình thường khác không làm được, để sống và sống tốt. Anh Nguyễn Minh Hiền, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức bị tật ở hai chân từ nhỏ. Không đủ sức khỏe để gắn bó với nghề nông, anh học thêm nghề sửa xe đạp, xe máy, rồi học hàn, kỹ nghệ sắt. Cần cù, nhẫn nại, từ hai bàn tay trắng, nay anh Hiền không chỉ xây được căn nhà hơn 200 triệu cho mình mà còn giúp đỡ thêm em trai xây nhà cửa. Trong quá trình làm thợ, anh đã đào tạo không dưới 20 học trò trở thành thợ như mình.
Anh Nguyễn Tiến Lâm, TP. Vũng Tàu lại khá "nổi tiếng" vì hai cửa hàng kinh doanh điện thoại di động mang thương hiệu "Truyền Tín" trên đường Bacu được nhiều người biết đến. Không học được với hai bàn tay bị tật, co gấp lại ngay từ thủa nhỏ, mới đầu anh tập viết chữ bằng chân. Không muốn đôi tay mình vô dụng, anh quyết tâm bắt đôi tay phải theo ý mình. Nay không chỉ anh viết được, ăn được bằng tay mà còn có thể lái xe máy. Được gia đình hỗ trợ, anh thành công với nghề mua bán điện thoại di động.
Còn nhiều tấm gương khác trên mỗi nẻo đường, thôn ấp. Như anh Nguyễn Quý Mão, huyện Tân Thành, bị cụt hai chân; anh Nguyễn Hùng, TP. Vũng Tàu liệt hai chân, hàng ngày vẫn đi bán vé số nuôi các con ăn học thành tài. Anh Nguyễn Hữu Tiến, TP. Vũng Tàu bị teo cơ hai chân, không những tự tạo việc làm ổn định mà còn dạy nghề thợ mộc cho nhiều người khác…
XÃ HỘI SẺ CHIA
Chương trình phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch mang lại nụ cười cho 130 người trong hai năm 2001, 2002; 3 nhà tình thương cho người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trong 3 tháng đầu năm 2004, chương trình hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo cho người bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam thực hiện từ đầu năm 2003 đến nay đã phát vay gần 80 triệu đồng. 500 chiếc xe lăn, xe lắc từ năm 1999 đến nay do các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ…... |
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, hiện số người tàn tật trên địa bàn khoảng 6,5 ngàn người trong đó chỉ có khoảng 500 người đang được chăm sóc tại các cơ sở xã hội của tỉnh, số còn lại sống tại cộng đồng. Ngoài ra còn phải kể đến hơn 3.000 thương bệnh binh và bằng số đó nạn nhân chất độc hóa học mà Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Để giúp người tàn tật phần nào khắc phục những khó khăn, xoa dịu nỗi đau và bất hạnh cho họ, nhiều biện pháp đã được thực hiện, tập trung vào việc chăm lo đời sống cho người tàn tật. Bên cạnh 3.450 người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn đang được hưởng trợ cấp thường xuyên 100 ngàn đồng/ người/ tháng, nhiều người tàn tật khác cũng được trợ giúp về cơ sở vật chất, khám chữa bệnh từ các nguồn quỹ từ thiện. Từ năm 1999 đến nay, đã có 2.099 trẻ em tàn tật được hỗ trợ phục hồi chức năng với kinh phí trên 300 triệu đồng. Dự kiến năm 2004, sẽ có khoảng 400 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ với kinh phí 80 triệu đồng. Do dạng tàn tật về vận động chiếm tỷ lệ lớn nên Sở Lao động-Thương binh - Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng khác coi trọng việc kêu gọi các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước hỗ trợ về xe lăn cho người tàn tật. Ngay đầu năm 2004, 80 chiếc xe lăn và 3 căn nhà tình thương do Hiệp hội Thương mại Đài Loan tài trợ đã đến tay người sử dụng. Ngoài ra, hàng loạt các chương trình vận động tài trợ, hỗ trợ từ thiện khác đang được thực hiện.
Giúp người tàn tật phục hồi chức năng và có tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống là trách nhiệm của toàn xã hội. Bên cạnh việc vận động các nhà hảo tâm, từ thiện để có các nguồn quỹ chăm sóc người tàn tật, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cũng đã đề ra nhiều biện pháp hỗ trợ trong thời gian tới, trong đó nổi bật là dự kiến lập đề án chăm sóc người tàn tật và tham mưu UBND tỉnh thành lập "Quỹ việc làm cho người tàn tật" để mọi người tàn tật đều có cơ hội nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống.