Sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học
Với sự hỗ trợ, khuyến khích từ nhà trường, trong nhiều năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học được SV Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện khá hiệu quả. Trong đó, nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao đã được ứng dụng trong cuộc sống.
Sinh viên Võ Nhị Kiều nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh. |
Sau gần một năm nghiên cứu, vừa qua em Lương Đình Phúc, Trần Xuân Hinh, SV năm thứ tư, ngành Cơ điện tử đã thiết kế và chế tạo thành công xe lăn điện dành cho người khuyết tật. Mô hình xe lăn điện được 2 em thiết kế trên phần mềm Inventor, lập trình bằng phần mềm Arduino, viết App Android điều khiển giọng nói bằng phần mềm MIT App Inventor 2. Theo cách thiết kế, xe lăn điện có 2 chế độ điều khiển bằng cần gạt (JoyStick) và giọng nói. Xe có khả năng quay tại chỗ 360 độ, tự dừng lại khi gặp vật cản, tải trọng tối đa 70kg.
Em Đình Phúc cho biết, để chế tạo mô hình xe lăn điện dành cho người khuyết tật, nhóm thiết kế dùng 2 motor điện điều khiển 2 bánh lớn của xe lăn để có thể đi thẳng, lùi và quay các hướng. Hệ thống thiết kế của mô hình bao gồm 4 phần cơ bản: Thiết bị đầu vào (JoyStick, giọng nói, cảm biến); Khối vi xử lý (Arduino mega 2560, mạch cầu H); Thiết bị công tác (động cơ, còi báo hiệu) và nguồn cấp (pin xe đạp điện 24V, bộ pin 5V). Theo chế độ điều khiển JoyStick, người dùng chỉ cần gạt cần JoyStick tới, lui, quay trái, quay phải để có thể điều khiển hướng đi của xe lăn. Còn điều khiển bằng giọng nói có phần phức tạp hơn, đòi hỏi người dùng phải thực hiện theo thứ tự 4 bước, bật kết nối bluetooth, mở App Android Voice, kết nối điện thoại với thiết bị HC-05 và nhấn vào nút SPEAK ở giữa màn hình để điều khiển xe lăn bằng giọng nói. “Mô hình xe lăn điện điều khiển bằng JoyStick và giọng nói, không những có chi phí phù hợp, tận dụng xe lăn cũ chế tạo thành xe lăn điện, mà còn thân thiện với môi trường, người dùng dễ dàng thực hiện, không mất nhiều công sức, hạn chế sự phụ thuộc vào người khác”, Đình Phúc nói thêm.
Sinh viên Lương Đình Phúc thử nghiệm xe lăn điện cho người khuyết tật. |
Cũng là một trong những SV giỏi, đam mê nghiên cứu khoa học, em Võ Nhị Kiều, SV năm cuối ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, đã được giảng viên của trường giới thiệu với Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao (TP.Hồ Chí Minh) để thực hiện đề tài “Điều chế Nano Berberine ứng dụng làm thực phẩm chức năng”. Với đề tài này, Kiều đã thực hiện điều chế Nano Berberine bằng 2 phương pháp, gồm: Phương pháp nghiền quay, phương pháp gắn Nano Berberine trên chitosan. Qua đó, giúp em thu được kết quả, đối với phương pháp nghiền quay, kích thước Nano Berberine thu được là 60nm, còn đối với phương pháp gắn Nano Berberine trên chitosan (một vật liệu tương thích sinh học và phân hủy sinh học) thu được kích thước Nano Berberine khoảng 50nm. Sản phẩm Nano Berberine được tạo ra nhằm ứng dụng làm thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Theo Kiều, đề tài này có tính ứng dụng thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi việc ứng dụng các hợp chất từ thiên nhiên như cây cỏ làm thuốc, thực phẩm chức năng đang là hướng nghiên cứu của các nhà khoa học. Do vậy, em đang tiếp tục mở rộng đề tài nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao, với mục đích thương mại hóa sản phẩm Nano Berberine.
Không chỉ có 2 đề tài kể trên, nhiều năm qua, SV của Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng hiệu quả vào thực tế. Điển hình như đề tài Chiết xuất tinh dầu lá bạch đàn bằng phương pháp chưng cất; Dự án sản xuất kinh doanh sản phẩm từ cây cacao thuần Việt…
Ông Phạm Vũ Phi Hổ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ nhiều năm qua, nhà trường đã khuyến khích các SV, cùng với sự hỗ trợ của các giảng viên để các em thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Hàng năm, nhà trường có hỗ trợ kinh phí cho SV nghiên cứu khoa học, với mức 5-15 triệu đồng/đề tài. Đến nay, nhà trường đã nghiệm thu 37 đề tài nghiên cứu của SV và đang tiếp tục thực hiện 30 đề tài khác. Các đề tài nghiên cứu của SV được nhà trường định hướng nghiên cứu sát với chuyên ngành mà các em đang theo học. Từ những đề tài này, nhà trường đánh giá rất cao sự tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu của SV. “Các đề tài nghiên cứu khoa học của SV thể hiện tính mới, tính phát hiện, khi nghiên cứu thành công thì có tính khả thi và ứng dụng vào thực tiễn. Việc nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho SV của nhà trường nâng cao kỹ năng tự học, nghiên cứu sâu từng vấn đề, mang lại ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống”, ông Hổ nói thêm.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM