.

Kiểm soát sốt xuất huyết ngay tại hộ gia đình

Cập nhật: 17:16, 31/07/2019 (GMT+7)

Hiện đang là cao điểm của mùa mưa và sốt xuất huyết (SXH) với diễn biến dịch rất phức tạp tại hầu hết các địa phương. Theo cảnh báo của ngành y tế, nếu không chủ động phòng, chống, SXH có thể bùng phát trên diện rộng.

Lực lượng chức năng kiểm tra, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại một hộ dân trên địa bàn xã Kim Long, huyện Châu Đức.
Lực lượng chức năng kiểm tra, diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường tại một hộ dân trên địa bàn xã Kim Long, huyện Châu Đức.

SXH TIẾP TỤC TĂNG 

“Qua đợt kiểm tra đột xuất ở địa phương cho thấy, người dân chưa thực sự quan tâm đến việc diệt lăng quăng, phòng chống dịch SXH. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch vẫn chưa hiệu quả”, ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức thông tin. Châu Đức hiện đang là địa bàn “nóng” nhất về tình hình SXH. Từ đầu năm đến nay, tại Châu Đức đã có tới gần 1.400 ca mắc và đã ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Cao điểm bùng phát dịch SXH là từ đầu tháng 7, với mỗi tuần có 200 ca mắc bệnh. 

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, diễn biến dịch tễ SXH còn phức tạp cho đến hết tháng 11, khi mùa mưa kết thúc. Ngoài tăng “nóng” tại Châu Đức, SXH cũng đang bùng phát dữ dội tại huyện Côn Đảo với 164 ca mắc tính từ đầu năm đến nay, tăng gấp 54,6 lần so với cùng kỳ 2018. Xuyên Mộc cũng tăng nhanh, với hơn 500 ca SXH được ghi nhận. 

Theo dự báo từ Bộ Y tế, năm 2019 là năm SXH bùng phát mạnh theo chu kỳ của dịch. Không chỉ Bà Rịa-Vũng Tàu mới ghi nhận mức độ tăng cao của số ca bệnh mà các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… số ca mắc SXH cũng tăng gấp hàng chục lần so với cùng kỳ. Cả nước ghi nhận hơn 105 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương. Trước tình hình này, ngày 29/7, Bộ Y tế đã tiếp tục có Chỉ thị khẩn gửi các địa phương yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống SXH. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống SXH. Trong đó, đặc biệt duy trì ba chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) ngay từ tháng 7/2019 đến hết năm; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích phòng chống SXH; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện. 

MỖI HỘ GIA ĐÌNH PHẢI CHỦ ĐỘNG PHÒNG BỆNH

Chỉ thị khẩn ban hành ngày 29/7 của Bộ Y tế đặc biệt nhấn mạnh về việc cần tăng cường triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có SXH”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. 

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH khi toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3.500 ca mắc SXH, ít nhất 3 trường hợp tử vong, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo khẩn đến Sở Y tế, các sở, ban, ngành chức năng và UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBMTTQVN tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống; đặc biệt, tăng cường công tác giám sát ca bệnh, ổ dịch tình hình dịch tễ và duy trì các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường... hằng tuần một cách sâu rộng, triệt để, đến tận hộ gia đình trong khoảng thời gian từ nay đến hết tháng 11. 

PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện Trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh cũng khẳng định, lâu nay, SXH đã được cảnh báo là bệnh lưu hành quanh năm. SXH cũng lại là bệnh không quá khó để phòng, chống dù hiện vẫn chưa có thuốc điều trị hay vắc xin phòng bệnh. Bộ Y tế đã phát đi thông điệp rất dễ hiểu, dễ nhớ: “Không có lăng quăng, không có SXH”. Chính vì vậy, quan trọng nhất trong phòng, chống SXH vẫn là triển khai hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường. Nếu mỗi hộ gia đình, khu dân cư đều làm tốt hoạt động này thì SXH không có cơ hội bùng phát. Qua các đợt giám sát thực tế tại địa phương cho thấy, sở dĩ SXH chưa được phòng, chống hiệu quả phần nhiều là do chưa làm tốt công tác diệt muỗi, lăng quăng. Chỉ số muỗi truyền bệnh và lăng quăng vẫn còn cao sau mỗi chiến dịch. Thậm chí, việc xác định vật chủ là nơi trú ẩn của lăng quăng, muỗi trưởng thành vẫn chưa chính xác. Ở mỗi khu vực, vật chứa nước lại khác nhau, không chỉ ở lu vại, mà còn trong các vật liệu phế thải, chai lọ, vỏ hay ruột xe, bình bông, chậu cây cảnh... Cán bộ cơ sở phải hướng dẫn người dân theo kiểu “cầm tay chỉ việc” về cách phòng, chống đúng và hiệu quả, loại trừ tối đa nơi trú ngụ, sinh trưởng của muỗi và lăng quăng. Chiến dịch diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường phải được duy trì cả ở những địa bàn chưa phải là trọng điểm để phòng ngừa do BR-VT là địa phương thu hút đông lao động nhập cư, khách du lịch.

LINH TRẦN

.
.
.