.

Những làng nghề vang tiếng một thời: Muối An Ngãi mặn mòi vị biển

Cập nhật: 18:34, 30/07/2019 (GMT+7)

Nghề sản xuất muối truyền thống tại xã An Ngãi (huyện Long Điền) đã có từ hàng trăm năm nay. Qua nhiều thế hệ, nghề làm muối được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. 

Diêm dân xã An Ngãi thu hoạch muối.
Diêm dân xã An Ngãi thu hoạch muối.

Chúng tôi tìm đến ruộng muối của ông Huỳnh Văn Thuyết, là truyền nhân đời thứ ba của một trong những gia đình làm muối nổi tiếng ở xã An Ngãi. Năm nay đã 62 tuổi nhưng thân hình ông còn vạm vỡ, săn chắc, cùng nước da rám nắng. Ông Thuyết kể, từ năm 15 tuổi, ông đã theo cha ra ruộng, làm quen với công việc của một diêm dân. Khi đủ tuổi lao động cũng là lúc ông trở thành thợ làm muối lành nghề. 

Chúng tôi ngỏ ý thắc mắc về thương hiệu “muối Bà Rịa” nức tiếng, nhưng lại được sản xuất chủ yếu tại xã An Ngãi, ông Thuyết cho biết, nghề làm muối ở An Ngãi hình thành từ thời Pháp thuộc, phát triển mạnh mẽ và dần nổi tiếng từ đầu thế kỷ XX. Lúc đó, vùng sản xuất muối tại xã An Ngãi thuộc TX. Bà Rịa, tỉnh Phước Tuy cũ. Thương hiệu “muối Bà Rịa” bắt nguồn từ đó. Ông Thuyết nhớ lại, ông nội ông là người đầu tiên trong gia đình làm muối, sau đó truyền lại cho cha ông. Công việc làm muối cực nhọc, nhưng bù lại là nguồn thu nhập rất cao. Vì vậy, từ khi còn trẻ, ông đã xác định nối nghiệp cha, ông. “Thời hoàng kim, gia đình tôi có cuộc sống sung túc nhờ làm muối. Nếu so sánh, thu nhập mỗi mùa làm muối đủ để xây một căn nhà vừa phải. Thập niên 60-70 thế kỷ trước, rất ít nhà sắm được xe máy, nhưng gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trong xã có xe máy”, ông Thuyết hồi tưởng.

Một số người làm muối lâu năm tại xã An Ngãi cho biết, giai đoạn cao điểm, địa phương có hàng trăm hộ làm muối trên 400-500ha. “Muối Bà Rịa” được ưa chuộng vì chất lượng cao, độ mặn vừa phải và giá cũng cao hơn sản phẩm cùng loại ở một số tỉnh khác từ 100-200 ngàn đồng/tấn. 

Tuy nhiên, để có được những hạt muối trắng tinh, mặn dịu, thanh và sạch sẽ, diêm dân phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát. Ông Nguyễn Văn Gia, một người có hơn 30 năm làm muối cho biết, khâu chuẩn bị trước mỗi vụ muối là quan trọng nhất. Trước hết, phải cuốc đất lên để làm lại nền ruộng. Tiếp đó là khâu đầm da ruộng muối. Trước khi đầm, phải vãi cát mịn xuống ruộng để ép chặt lớp bùn. Sau đó, phải đầm sao cho mặt ruộng phẳng lỳ để khi muối sắc nước, hạt mới chắc, trắng và không bị lấm bùn. Sau khi làm mặt ruộng, diêm dân lấy nước biển vào. Sau vài ngày (tùy thời tiết) chứa trong ô ruộng đầu tiên, nước biển được san qua ô thứ hai để nuôi mặn. Từ ô nuôi mặn, nước biển được dẫn qua ô chịu lắng cho nước bốc hơi, muối kết tủa. Khi muối kết tủa, diêm dân cào thành từng đống lớn. Khi nước biển bay hơi hết sẽ tạo thành muối và thu hoạch. Thời gian của mỗi vụ muối truyền thống là từ 10-15 ngày. 

Ông Lương Tuấn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Ngãi cho biết, nghề muối đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều diêm dân trong xã. Tuy nhiên, vài năm gần đây, giá cả và thời tiết biến động thất thường, diêm dân gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ bỏ nghề. Để tăng giá trị, giảm bớt rủi ro, diêm dân đã liên kết, tham gia vào HTX Muối Chợ Bến. Các hộ hỗ trợ nhau trong kỹ thuật sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường để thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều diêm dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật và các phương thức sản xuất mới, cho hiệu quả cao hơn so với cách làm muối truyền thống.

Nhằm bảo tồn và phát huy truyền thống nghề muối ở huyện Long Điền, ngày 10/9/2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống sản xuất muối huyện Long Điền. Như vậy, với việc được công nhận là nghề truyền thống, người làm muối đã có thêm động lực để phát triển, gìn giữ nghề truyền thống cha ông. Bên cạnh đó, địa phương và ngành du lịch đã tính đến việc kết nối với các DN lữ hành mở tour đưa du khách đến tham quan làng muối, giúp thị trường được mở rộng hơn, vừa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, vừa phát huy giá trị của nghề truyền thống trên địa bàn.

QUANG VINH - HUỲNH NHƯ

.
.
.